Du lịch

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Hoàng Su Phì

07/03/2023 16:46 202 lượt xem

Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với các tuyến du lịch trong huyện, liên tỉnh, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện miền núi Hoàng Su Phì đang biến tiềm năng thành hiện thực.

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Hoàng Su Phì

Được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đặc biệt cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú với ruộng bậc thang đã được công nhận danh lam thắng cảnh, 2 đỉnh núi Tây Con linh, Chiêu LầuThi hoang sơ, hùng vĩ,  thác nước nguyên sơ, cùng nhiều di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, huyện miền núi Hoàng Su Phì đang hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

Nhiều ngôi nhà truyền thống trong huyện vẫn được bảo tồn. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (hát lướn, múa ngựa, hát giao duyên…), nghề dệt, các lễ hội truyền thống (lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Cúng thần rừng dân tộc Nùng, Bàn Vương dân tộc Dao…), văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa được gìn giữ, phát huy.

Cùng với đó, chợ phiên Hoàng Su Phì - phiên chợ chỉ họp vào sáng chủ nhật hàng tuần, hàng hóa chủ yếu là những sản vật của đồng bào các dân tộc bản địa là điểm nhấn không thể bỏ qua khi đến Hoàng Su Phì.

Xác định tiềm năng, thế mạnh to lớn đó, UBND huyện đã ban hành “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Hoàng Su Phì  đến năm 2021 định hướng đến năm 2030”. Sau nhiều năm thực hiện đến năm 2022 , mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, song huyện đã đạt 94.250 lượt khách (trong đó khách nước ngoài 2.030 lượt), doanh thu ước đạt trên 80,2 tỷ đồng. Năm 2023 huyện phấn đấu thu hút 125.000 lượt khác đến với các cơ sở du lịch. Đến năm 2022 đã có 100% hộ tham gia du lịch cộng đồng sử dụng nước sinh hoạt, nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh; 100% điểm đến du lịch cộng đồng có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách, 100% thôn, bản phát triển du lịch có hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch kết hợp du lịch lịch sử, văn hóa, khám phá thiên nhiên…

Thời gian qua, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa ngoại lai đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Do vậy, bên cạnh việc phát huy giá trị các tài nguyên du lịch cộng đồng, thì việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, các cấp chính quyền xã, thị trấn cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng đến với du khách trong nước và quốc tế, tăng cường tổ chức đoàn khảo sát giới thiệu sản phẩm cho các công ty lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa. Công tác quảng bá du lịch nên theo hướng đa phương tiện: Trên các báo, tạp chí, truyền hình trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch, ngoài ra, có thể giới thiệu qua các mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Zalo…

Bên cạnh đó, để phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu ứng tích cực, huyện Hoàng Su Phì đã có chiến lược, lộ trình cụ thể, tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống các điểm lưu trú, điện, đường, trường, trạm; xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng; các loại hàng hóa đặc thù của địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị, từ đó phát huy hết tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có.

Mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng hướng đến trở thành dòng sản phẩm riêng biệt và nổi bật trong hệ thống sản phẩm du lịch của huyện, góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đây cũng chính là cách trao “cần câu” sinh kế cho người dân địa phương, tận dụng tối đa những thế mạnh sẵn có về tiềm năng, nguồn lực, tạo nên sức hút và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì./.

Đỗ Thị Hương Giang Trường Chính trị tỉnh Hà Giang

Tin khác

Liên kết website