Kinh tế

Phát triển nông nghiệp hàng hóa hướng đi bền vững ở Hoàng Su Phì

13/12/2020 07:28 100 lượt xem

Hoàng Su Phì có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân.

Củ cải nương Hoàng Su Phì là một trong những sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, những năm gần đây, huyện đang vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Củ cải được người dân trồng khoảng 300 - 400 ha mỗi vụ, tổng sản lượng ước đạt 2.500 tấn/vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có HTX Thương mại dịch vụ nông, lâm sản Hoàng Su Phì thu mua và chế biến các sản phẩm từ củ cải của địa phương. Củ cải tươi sau khi được chuyển về HTX sẽ được chế biến trên dây chuyền sạch và sấy khô bằng hơi nước bão hòa. Với công suất chế biến mỗi ngày từ 3 đến 5 tấn củ cải tươi, HTX đã góp phần bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho bà con trên địa bàn. Các sản phẩm chế biến từ củ cải của HTX rất đa dạng như: Củ cải sợi sấy khô, củ cải sấy dẻo, củ cải muối khô, củ cải trộn ăn liền… Nhờ đáp ứng tiêu chí sản phẩm sạch, an toàn với mùi thơm đặc trưng của củ cải nương nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ củ cải của HTX đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, HTX ký được hợp đồng thu mua sản phẩm với nhiều công ty chế biến thức ăn chay tại Hà Nội và bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan… 

Đặc biệt, huyện Hoàng Su Phì có 1.470 ha chè đã được chứng nhận hữu cơ; trong đó có 161 ha theo tiêu chuẩn EU. Ngoài ra, chè Hoàng Su Phì đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận quần thể cây chè di sản Việt Nam. Sản phẩm chè của huyện đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Thời gian qua, huyện đang tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ chè như: Bạch trà, Hồng trà, Trà xanh, Trà móng rồng… Năm 2020, có 2 sản phẩm chè OCOP của huyện đạt 5 sao là sản phẩm trà Xanh (hộp 100 gam) và Hồng trà (hộp 100 gam) của HTX chế biến chè Phìn Hồ, đã được Bộ NN&PTNT chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Qua đó, có thể thấy, ngành chè của huyện đang từng bước “tiệm cận” đến sản xuất hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Triệu Sơn An cho biết: Xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây, huyện đã tập trung lựa chọn cây, con đặc sản theo vùng để phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định, phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, do đó, huyện cũng chủ động vận dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách, các đề án, chương trình nông nghiệp trọng tâm của tỉnh để đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân.

 


Tin khác

Liên kết website