Chuyển đổi số

Nâng cao thương hiệu và giá trị chè Shan tuyết

26/07/2023 08:38 197 lượt xem

Chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực của huyện Hoàng Su Phì. Thời gian qua, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ, gắn sản xuất, chế biến với vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu, giá trị chè Shan tuyết cổ thụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Nâng cao thương hiệu và giá trị chè Shan tuyết

Trước thực trạng trên, huyện đã đẩy mạnh tập huấn về kỹ thuật cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn cho người dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Hướng dẫn nhân dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng trong sản xuất chè. Cùng với việc đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, sản lượng, cải tạo các diện tích chè già cỗi, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chè; huyện còn đẩy mạnh tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX chế biến chè với các xã vùng trọng điểm chè, các hộ trồng chè nhằm ổn định nguồn nguyên liệu và đảm bảo đầu ra cho sản lượng chè búp tươi của người dân, giúp người dân yên tâm sản xuất, hạn chế tình trạng phá bỏ nương chè để trồng các cây trồng khác.

Chị Triệu Mùi Mủi, xã Hồ Thầu cho biết: Gia đình tôi có diện tích chè Shan tuyết khoảng hơn 1 ha. Trước đây, giá bán chè búp tươi khá thấp nên người dân chúng tôi không mặn mà với việc chăm sóc cây chè. Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đã có một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đến tận thôn để ký hợp đồng thu mua sản phẩm. Ngoài ra, còn hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè. Giá bán chè tươi cũng cao hơn trước nhiều lần, đạt từ 20 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/kg tùy loại. Vì vậy, chúng tôi rất yên tâm sản xuất, tập trung chăm sóc tốt cho vườn chè cổ thụ của gia đình.

Để nâng cao giá trị từ cây chè, BCH Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Nghị quyết số 06, ngày 3.2.2021 về “Nâng cao thương hiệu chè Shan tuyết Hoàng Su Phì giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030”. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất chè trên 15% so với trước. Cụ thể: Năm 2021, sản lượng chè búp tươi của huyện đạt 14.027,9 tấn; giá trị 280,5 tỷ đồng; bình quân mỗi ha chè cho thu nhập 78 triệu đồng. Đến hết năm 2022, sản lượng chè búp tươi đạt 13.912,7 tấn, doanh thu đạt 306 tỷ đồng, bình quân mỗi ha chè cho thu nhập trên 85 triệu đồng (tăng 7 triệu đồng/ha so với 2021).

Đến nay, toàn huyện có 10 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè quy mô vừa (3-5 tấn/ngày); 20 cơ sở chế biến theo quy mô nhỏ; trên 300 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình. Hiện, các sản phẩm chè của địa phương rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã như: Chè xanh, Hồng trà, trà Phổ Nhĩ ép bánh, trà Shan Tiên, trà Móng rồng... với giá bán từ 150 nghìn đồng đến 12 triệu đồng/kg. Các sản phẩm chè của huyện đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nga, Đức...

Để góp phần nâng cao thương hiệu cho sản phẩm chè của địa phương, huyện Hoàng Su Phì đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể tham gia chương trình OCOP. Chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan liên quan rà soát, giúp đỡ các chủ thể sản xuất xây dựng ý tưởng, hoàn thiện hồ sơ và đánh giá, chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các chủ thể phát triển và nâng sao sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ được chứng nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm chè được chứng nhận đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục hướng dẫn nhân dân tổ chức trồng dặm những diện tích cây chè già cỗi, mất khoảng; đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho hộ nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chè. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện thuê đất, liên doanh, liên kết, xây dựng nhà xưởng chế biến, kho bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chè. Hỗ trợ các cơ sở chế biến chè đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng hiện đại. Duy trì và nâng cao diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn Việt Nam, hữu cơ châu Âu, GLOBAL... gắn với đa dạng hóa sản phẩm chè để phục vụ xuất khẩu.

Đến nay, toàn huyện duy trì diện tích 4.600ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là 3.700ha, sản lượng chè búp tươi năm 2022 đạt 13.912,7 tấn. Các xã nằm trong vùng trọng điểm chè của huyện gồm 9 xã: Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán, Nậm Dịch, Nam Sơn, Nậm Khòa, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng, Bản Luốc. Diện tích chè Shan tuyết chủ yếu được trồng tại các thôn vùng cao, mọc lẫn một số loại cây khác trong rừng tự nhiên nên việc thu hái, chế biến còn gặp nhiều khó khăn. Người dân ít có sự đầu tư, thâm canh trong quá trình chăm sóc, thu hái, dẫn đến sản lượng chè búp tươi đạt thấp.

Đức Long

Tin khác

Liên kết website