Kinh tế

Mận Máu ở Hoàng Su Phì, mất mùa, được giá

26/06/2023 14:37 134 lượt xem

Mận máu, một sản phẩm nông sản nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì chỉ đứng sau cây chè shan tuyết, là cây trồng thế mạnh của các xã phía bắc của huyện. Được khuyến khích phát triển, những năm gần đây diện tích cây mận máu của huyện không ngừng được mở rộng. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, dẫn đến mất mùa, nhưng bù lại giá thì trường rất cao.

Mận Máu ở Hoàng Su Phì, mất mùa, được giá

Đến thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố vào những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con đang khẩn trương thu hoạch mận Máu. Từng gùi mận đỏ tươi vừa hái trên đồi được người dân nhanh chóng chuyển xuống chợ trung tâm huyện bán, hoặc bán buôn cho các thương lái đến thu mua.

Ông Giàng Chần Sấn, thôn Nhìu Sang cho biết: Gia đình có hơn 1ha cây mận Máu. Trước đây do giá bán thấp, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình nên chúng tôi ít chú trọng chăm sóc vườn mận, bón phân cho cây. Những năm gần đây, giá bán mận Máu cao gấp nhiều lần, dao động từ 30 đến 60 nghìn đồng/kg, đặc biệt năm nay, gia đình bán tại vườn với giá 80 nghìn đồng/kg, lại có HTX trực tiếp đến thu mua. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây mận Máu, các gia đình trong thôn đã chủ động chăm bón cho cây, một số hộ còn sử dụng lưới đề che cây, tránh tác động của côn trùng cũng như mưa đá. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ vườn mận Máu của gia đình tôi đạt từ 40 - 60 triệu đồng/ha, góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì hiện có 154,7 ha mận Máu, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 35 ha. Trong năm 2022. Thời gian qua, chính quyền xã đã tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, chăm sóc vườn mận cho người dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây đúng mật độ, đốn tỉa, tạo tán đúng kỹ thuật, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc cây, hướng đến phát triển bền vững cây mận Máu địa phương theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Mận Máu là giống mận bản địa, có độ thơm ngon đặc biệt so với mận Tam hoa, mận Hậu ở các địa phương khác. Mận Máu là tên do chính người dân bản địa đặt cho giống mận này do khi cắt quả có màu đỏ sậm, ngọt lịm, mổ ra có nước chảy ra đỏ như máu.

Hiên nay, huyện Hoàng Su Phì có trên 500 ha mận Máu, sản lượng bình quân đạt từ 300 – 800 tấn/năm. Diện tích mận Máu tập trung ở các xã phía bắc như: Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn.

Xác định đây là giống cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế cao, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai một số cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích như: Hỗ trợ cây giống; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo vườn mận cho các hộ nông dân. Đặc biệt, các cơ quan của huyện đã phối hợp với các đơn vị xây dựng nhãn hiệu chứng nhận mận Máu Hoàng Su Phì và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Mận máu Hoàng Su Phì” vào ngày 22.6.2022. Được tỉnh Hà Giang công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, từ năm 2021. Thông qua việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận đã góp phần tạo liên kết trong chuỗi sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp, HTX và từ doanh nghiệp, HTX kết nối với thị trường tiêu thụ.

Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, đầu năm 2023, thời điểm mận máu ra hoa và đậu quả cũng là đỉnh điểm của nắng hạn, dẫn đến quả dụng nhiều thêm vào đó là những trận mưa đá vào thời điểm cuối tháng tư, do vậy ảnh hưởng đến sản lượng mận Máu năm nay. Tuy nhiên, giá thành rất cao, hiện nay bà con đang thu hoạch rộ. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích ở những khu vực có khí hậu phù hợp, ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây, hướng đến phát triển bền vững cây mận Máu bản địa.

Đức Long

Tin khác

Liên kết website