Kinh tế

Hoàng Su Phì phát triển sản phẩm OCOP

20/05/2023 08:19 205 lượt xem

Hoàng Su Phì là huyện dẫn đầu của tỉnh về các sản phẩm OCOP, đặc biệt là có hai sản phẩm đại 5 sao. Với lợi thế về tiểu vùng khí hậu, Hoàng Su Phì có nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP, đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh chương trình OCOP theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm để chương trình phát huy hiệu quả một cách bền vững.

Hoàng Su Phì phát triển sản phẩm OCOP

Hoàng Su Phì có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè Shan tuyết. Hiện nay, toàn huyện có trên 4.600 ha chè, trong đó có gần 3.800 ha đang cho thu hoạch với sản lượng chè búp tươi đạt trên 14.000 tấn/năm. Sản lượng chè qua chế biến gần 2.800 tấn, giá trị trên 365 tỷ đồng. Với màu nước xanh, vàng sánh cùng hương vị thơm ngon đặc biệt, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Xác định đây là cây trồng mũi nhọn, những năm qua, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ chè Shan tuyết. Đến nay, toàn huyện có 13 sản phẩm chè Shan tuyết đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 2 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Với nhiều sản phẩm đa dạng như: Trà xanh, Hồng trà, trà Shan siên, trà Móng rồng, trà Phổ nhĩ ép bánh... vài năm trở lại đây, các sản phẩm chè của huyện đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Đức... đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Xác định chè Shan tuyết là cây trồng mũi nhọn, những năm gần đây huyện đã đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm từ chè và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện duy trì 13 sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ đạt chứng nhận OCOP, chiếm gần 60% tổng số sản phẩm OCOP của huyện. Chương trình OCOP đã tạo hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè truyền thống, đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, các sản phẩm chè của huyện có giá từ 150.000 đồng - 12,5 triệu đồng/kg, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của địa phương.

Dựa trên tiềm năng, thế mạnh, huyện Hoàng Su Phì tập trung phát triển các sản phẩm OCOP là những cây trồng, vật nuôi thế mạnh như: Chè Shan tuyết, gạo đặc sản chất lượng cao, mận Máu, tinh dầu một số loại dược liệu; nhóm sản phầm đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm du lịch nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 22 sản phẩm OCOP của 11 chủ thể, trong đó 2 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 16 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong quá trình thực hiện, các chủ thể sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, đúng với quy trình sản xuất đã công bố. Không có sản phẩm nào bị thu hồi giấy chứng nhận.

Thực hiện chương trình OCOP, huyện đã xây dựng hệ thống quản lý, điều hành bằng việc thành lập ban điều hành, tổ giúp việc, quy chế hoạt động của Ban điều hành đề án Mỗi xã một sản phẩm. Tổ chức các đợt tập huấn, tư vấn, tuyên truyền, triển khai đề án tới các HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và người dân. Tổ chức 3 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện trước khi gửi hồ sơ sản phẩm trình cấp tỉnh đánh giá phân hạng theo đúng quy định. Đặc biệt, Hoàng Su Phì là huyện duy nhất trong toàn tỉnh có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song do đề án “Mỗi xã một sản phẩm” là đề án mới nên việc thực hiện bước đầu còn khá lúng túng; cán bộ quản lý, bộ phận tham mưu thực hiện còn thiếu kinh nghiệm. Cán bộ, công chức cấp huyện, xã thực hiện nhiệm vụ theo dõi, triển khai Chương trình OCOP theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực sản xuất sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.

Bên cạnh đó, một số chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia OCOP nhưng lại chưa nỗ lực, tích cực phát triển hoàn thiện sản phẩm để thi đánh giá phân hạng. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được hỗ trợ không có định mức cụ thể, sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao cùng một định mức hỗ trợ nên không tạo được cơ chế khuyến khích các chủ thể nỗ lực nâng sao. Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ, chưa có sự kết nối các chương trình, dự án gắn với đề án OCOP;...

Thời gian tới, huyện tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, tiềm năng theo chuỗi giá trị. Tăng cường hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Đức Long

Tin khác

Liên kết website