Văn hóa - Xã hội

Hoàng Su Phì: Phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên

20/03/2023 10:43 67 lượt xem

Xác định vai trò của thanh niên trong các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp bộ Đoàn của huyện Hoàng Su Phì đã phát huy vai trò đồng hành, đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, trọng tâm là khuyến khích, xây dựng mới các mô hình kinh tế trong đoàn viên, thanh niên góp phần thúc đẩy kinh tế đồng thời thực hiện vai trò của mình trong xã hội.

Hoàng Su Phì: Phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên

Lấy chồng được 5 năm, cũng là ngần ấy năm vợ chồng chị Lù Thị Nhiên ra ở riêng, bố mẹ hai bên không khá giả gì, nên khi ra ở riêng, gia đình nhỏ của chị chỉ có một căn nhà 3 gian, cuộc sống vô cùng khó khăn, con cái còn nhỏ nên việc đi làm ăn xa cũng khó. Đúng lúc đó có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Đoàn thanh niên, chị Nhiên làm đơn vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, có vốn chị mua được 5 con lợn mái sinh sản, một con trâu, số tiền con lại thì đào ao, thả cá. Nắm bắt được tập quán của người dân địa phương chỉ canh tác lúc một vụ, thời gian còn lại trong năm đều bỏ hoang, chị Nhiên bàn với chồng mượn lại đất ruộng để trồng ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi lợn gà. Nhờ cần cù chịu thương, chịu khó, sau 5 năm giờ kinh tế của gia đình đã khá giả hơn nhiều.

Nhờ cần cù, chịu khó và tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, nhiều đoàn viên, thanh niên đã có thu nhập rất cao, cuộc sống ngày càng khá giả. Với mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tổng hợp, thực tế đã chứng minh phù hợp với người nông dân huyện Hoàng Su Phì, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp, để những đoàn viên, thanh niên cùng làm giàu cho gia đình. Năm 2019, Đoàn viên Triệu Chiềm Phin, thôn Khoà Trung, xã Nậm Khoà đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 2000m2 diện tích ruộng lúa kém năng suất sang đầu tư đào ao thả cá; Cùng với đó, anh Phin đầu tư xây dựng chuồng, trại nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt. Với bản tính cần cù, chịu khó và chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Phin bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Nếu như đoàn viên Triệu Chiềm Phin chọn mô hình kinh tế tổng hợp để phát triển thì dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, đoàn viên Triệu Chiềm Sín, thôn Khoà Thượng, xã Nậm Khoà lại chọn nuôi Trâu sinh sản và vỗ béo. Anh Sín chia sẻ: Trước đây kinh tế của gia đình cũng chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc chỉ phục vụ cày kéo, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy điều kiện đất đai rộng lớn và có thể tận dụng nguồn cỏ dồi dào sẵn có tại địa phương cùng với các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp như lá ngô, chuối, cám gạo, rơm… gia đình đã vay mượn vốn để phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 10 - 15 con trâu. Trong năm 2020, gia đình anh thu nhập trên 120 triệu đồng từ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa.

Những năm gần đây, cây mận máu đã dần trở thành cây trồng chủ lực của xã Thàng Tín, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ cây mận máu. Đoàn viên Lù Thị Tứi, thôn Ngài Trồ Thượng xã Thàng Tín đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất mương trồng sắn kém hiệu quả của gia đình sang trong 300 gốc mận máu từ năm 2017, đến mùa nậm máu năm 2022, là năm đầu tiên gia đình chị được thu quả ngọt, ấy vậy cũng bán được gần 60 triệu đồng, năm nay, quả ra đều hơn, gia đình cũng tuân thủ ký thuật canh tác, chị Tứi cho biết, thời tiết từ nay đến ngày thu hoạch thuận lợi thì vườn mận phải cho thu nhập trên 100 triệu đồng là chắc. Thêm vào đó, chị đã chuyển toàn bộ đất ruộng cấy lúa một vụ của gia đình sang trồng rau xanh và trồng hoa, kết hợp với chăn nuôi, nhờ vậy năm 2022, gia đình chị đã thoát nghèo.

Với tư duy tiến bộ trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng thị trường, lúc nào được giá thì bán, lợn thịt xuống giá thì bán lợn giống, gia đình thanh niên Bàn La Hào, thôn Tân Phong xã Hồ Thầu lúc nào gia đình cũng duy trì trên 100 con lợn đen, 10 con lợn nái sinh sản. Không có tiền mua thức ăn cho lợn thì lấy đất ruộng, đất rừng ra trồng rau, trồng su su, trồng ngô để làm thức ăn. Tiền bán lợn thì đầu tư mua gà về nuôi, mua trâu về vỗ béo rồi bán mua vườn thảo quả của người dân trong vùng về canh tác. Sau nhiều năm cần cù lao đồng, giờ vợ chồng anh đã có cơ ngơi cả tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, du lịch nổi lên như một ngành kinh tế ở huyện Hoàng Su Phì, trên 90% các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều do lực lượng đoàn viên, thanh niên làm chủ. Phát huy vai trò tuổi trẻ, giám nghĩ, giám làm những cái mới, tiếp cận công nghệ, nhiều cơ sở du lịch ở huyện Hoàng Su Phì do thanh niên làm chủ đã dần hình thành và phát triển lớn mạnh như: Hoàng Su Phì Bungalow; Nậm Lỳ Retreat, Hoang Su Phi Lodge… Nhiều cơ sở đã xây dựng được lòng tin với khách du lịch nhờ vậy luôn có lượng khách ổn định.

Do hiện nay, tuyến đường gần như độc đạo đến huyện Hoàng Su Phì đang thi công cải tạo nên lượng khách du lịch đến với huyện có giảm so với trước, nhưng cũng tranh thủ thời gian này, những thanh niên ở Hoàng Su Phì Phì đang tận dụng để sửa chữa, nâng cấp cở sở hạ tầng để đón đầu một làn sóng du lịch mới đến huyện, sau khi con đường hoàn thành.

Trong những năm qua, Du lịch đã dần trở thành ngành kinh tế chính của xã Thông Nguyên, mỗi năm có khoảng 30 nghìn khách du lịch đến xã, thu nhập khoảng 20 tỷ đồng. Những đoàn viên, thanh niên xã Thông Nguyên đang từng bước khẳng định được tên tuổi của mình trên bản đồ du lịch Hà Giang.

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Hoàng Su Phì luôn phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, thông qua nhiều phong trào đã được tổ chức như: thanh niên góp sức xây dựng nông thôn mới, thanh niên với phong trào làm nhà ở cho người có công, Cựu chiến binh, hộ nghèo… Qua đó các cấp bộ đoàn đã góp hàng chục nghìn ngày công lao động, đóng góp hàng trăm triệu đồng giúp người dân nghèo, hộ nghèo đơn làm nhà ở và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các cấp bộ đoàn đều xây dựng kế hoạch hoạt động riêng, theo tình hình thực tết tại địa phương nhằm phát huy hết vai trò tuổi trẻ của mình.

Năm 2023 bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng, thanh niên Hoàng Su Phì sẽ triển khai các công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực, phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cộng đồng, bài trừ phong tục, tủ tục tập quán lạc hậu, xây dựng mếp sống văn mình, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng huyện Hoàng Su Phì ngày càng đổi thay.

Với sức trẻ, sự sáng tạo, hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ nhiều, đoàn viên thanh niên đã vươn lên làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chung sức vì cộng đồng, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Đoàn viên thanh niên huyện Hoàng Su Phì, đã và đang phát huy vai trò của mình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo đúng tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Đức Long

Tin khác

Liên kết website