Văn hóa - Xã hội

Đậm đà bản sắc đồng bào dân tộc Mông ở Hoàng Su Phì

11/02/2023 09:13 44 lượt xem

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm, triển khai hiệu quả Đề án số 09 của BTV Tỉnh ủy về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc Mông phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Đậm đà bản sắc đồng bào dân tộc Mông ở Hoàng Su Phì

Lễ hội Gầu Tào diễn ra trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022, với các tiết mục văn nghệ truyền thống hấp dẫn của dân tộc Mông. Gầu Tào là lễ hội độc đáo có từ lâu đời, thường được tổ chức để cầu phúc cho cả bản, làng; mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi các nghệ nhân kết thúc phần nghi lễ, người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng bước vào phần hội trong không khí vui tươi, rộn ràng. Với các tiết mục đặc sắc như: Múa gậy Sinh tiền, hát ống, hát đối đáp giao duyên, thổi khèn lá, sáo Mông, múa khèn… cùng sự tham gia của hơn 200 nam, nữ diễn viên đến từ 12 xã có đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn huyện.

Ông Trần Chí Nhân, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Trước đây Lễ hội Gầu Tào thường tổ chức vào sau tết Nguyên đán, vài năm gần đây Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện vào mỗi dịp diễn ra Tuần văn hóa du lịch, nhờ đó thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia. Các nghi thức trong Lễ hội cũng được phục dựng, nhiều tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông cũng được tổ chức, biểu diễn. Qua đó, giúp thế hệ trẻ thêm yêu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó có ý thức chung tay gìn giữ và phát huy.

Năm 2022, ngoài tổ chức thành công Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Đồng bào dân tộc Mông xã tại huyện Hoàng Su Phì có được Vụ Văn hóa Dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Hà Giang thông qua việc xây dựng bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông. Lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mông đã được tổ chức tại trung tâm huyện Hoàng Su Phì với sự tham gia của 60 nghệ nhân dân tộc Mông do 05 nghệ nhân truyền dạy và hướng dẫn thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mông. Đồng thời hỗ trợ nhiều trang bị, vật dụng, trang phục truyền thống cho đồng bào Mông.

Bên cạnh việc tuyên truyền nhân dân gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: Trang phục, kiến trúc nhà ở, tín ngưỡng, lễ hội… cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở còn chỉ đạo các ngành, đoàn thể tập trung vận động đồng bào Mông xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang như thách cưới cao, mổ nhiều gia súc, uống nhiều rượu, tổ chức ăn uống dài ngày… Nhờ vậy, các đám cưới, đám tang của đồng bào Mông đã được đơn giản hóa; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng giảm đáng kể.

Đức Long

Tin khác

Liên kết website