Kinh tế

Cựu chiến binh xã Thông Nguyên phát triển kinh tế hiệu quả mô hình chăn nuôi kết hợp

23/12/2014 00:00 214 lượt xem

Phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của hội cựu chiến binh xã Thông Nguyên được phát triển sâu rộng trên địa bàn xã, từ phong trào này đã xuất hiện các hộ gia đình có mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của cựu chiến binh Triệu Dào Khiền ở thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi như vậy.
Trải qua nhiều năm công tác trong quân ngũ, năm 1978 ông tham gia ngập ngũ, chiến đấu tại chiến trường biên giới Hà Giang (Việt – Trung) ông không chùn bước trước những gian khổ hi sinh. Năm 1983 sau khi trở về đời thường cựu chiến binh Triệu Dào Khiền lại tích cực tham gia trên mặt trận phát triển kinh tế. Ông tâm sự trước đây gia đình cũng nghèo khó nhà đông anh em nên sau khi xuất ngũ trở về địa phương và lập gia đình riêng trong tay không có nhiều vốn liếng làm ăn ngoài mấy sào ruộng trồng lúa nước, không có sức cày kéo ông phải đi mượn trâu, bò nhà anh em để làm sức cày kéo, cùng với đó vợ chồng ông kết hợp trồng rau, cỏ tự cung tự cấp để đầu tư làm ăn từ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chắt chiu từ chăn nuôi nhỏ lẻ và chịu khó, biết tính toán tiết kiệm ông cũng giành dụm được chút vốn liếng  mua trâu nghé về chăn nuôi và làm sức cày kéo. Được một hai năm trâu lớn và được vỗ béo ông lại đem bán kiếm lời để tiếp tục mua trâu nghé khác về nuôi vỗ béo đem bán. Nhờ cách làm như vậy mà gia đình ông cũng tích trữ được một số tiền từ chăn nuôi và bán trâu.  Với phẩm chất kiên trì và bản lĩnh vững vàng của người lính, năm 2009 -2010 gia đình ông tiếp tục duy trì tập trung và phát triển chăn nuôi trâu và dê, trồng 2 ha cỏ voi để cung cấp nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, kết hợp chăm sóc 2ha chè và trồng hơn 1ha với 3 nghìn cây mỡ.
Từ việc chăn nuôi trâu thành hàng hóa ra, mấy năm gần đây ông cũng đã mua thêm trâu nái sinh sản về nuôi hiện tổng số đàn trâu của gia đình ông 12 con, 30 con dê, 15 con lợn và gần 100 con gia cầm; nhận thấy chăn nuôi gia súc dễ nuôi, có giá trị kinh tế và luôn bán được giá cao, mỗi năm gia đình ông thu nhập ổn định từ chăn nuôi gia súc gia cầm và thu hái chè từ 140 – 150 triệu đồng; ông cho biết do nắm bắt nhu cầu thị trường, ông cùng  gia đình đã chọn hướng phát triển kinh tế theo hướng kinh tế chăn nuôi gia súc thành hàng hóa, dù bước đầu không có vốn nên gặp không ít khó khăn để có thành quả như ngày hôm nay do sự cần cù cần mẫn chịu khó say mê chăn nuôi kết hợp mới có được thành công.
Dám nghĩ, dám làm hăng say lao động, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cũng như nắm bắt được nhu cầu thị trường và quyết tâm nâng cao thu nhập gia đình từ mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi kết hợp, đã giúp gia đình ông vươn lên trên con đường làm giàu chính đáng và mở ra triển vọng  mới về một mô hình chăn nuôi kết hợp  theo hướng hàng hóa có hiệu quả. Từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế ở địa phương. Là tấm gương sáng để các hộ gia đình khác đến tham quan, học tập và làm theo.

Tin khác

Liên kết website