Kinh tế

Cá chép ruộng “phụ nhưng thu nhập không phụ”

27/09/2018 00:00 195 lượt xem

Cá chép ruộng là cái tên người dân Hoàng Su Phì đặt cho con cá chép nuôi ở ruộng lúa trong thời gian canh tác vụ mùa, cá giống được thả ngay khi vừa cấy xong và thu hoạch trước khi gặt lúa, do vậy thời gian sinh trưởng của cá chỉ từ 3 đến 4 tháng nên cá không to, nhưng bù lại cá sống trong môi trường nước sạch, ăn sinh vật phù du và hoa lúa nên xương rất mền, thịt cá thơm ngon, giá bán mặc định 100 nghìn đồng/kg.

Theo báo cáo của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, vụ mùa năm nay gần 80% diện tích lúa mùa, tức khoảng gần 3 nghìn ha lúa. Ngoài cung ứng thực phẩm cho người dân trong những ngày thu hoạch lúa, thì bán cá cũng mang lại một nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Đến thăm mô hình nuôi cá Chép xen lúa của gia đình Ông Lù Văn Sinh, thôn Cốc Mưi Thượng xã Pố Lồ; vụ Mùa năm nay, toàn bộ diện tích hơn 1 ha ruộng lúa của gia đình đều được ông tận dụng thả cá Chép nhằm mục đích tăng thu nhập cho gia đình. Ông Sinh cho biết: Ngoài việc thu hoạch được hơn 6 tấn thóc, gia đình ông còn bán được hơn 80 kg cá Chép ruộng với giá bán 100 nghìn đồng/1kg. Sau khi trừ chi phí mua giống, gia đình anh cũng thu được 7 triệu đồng từ bán cá; nếu tính tổng thu nhập, chỉ riêng 4 tháng canh tác vụ Mùa với hơn 1 ha ruộng có thể cho thu nhập gần 40 triệu đồng...

Thả nuôi cá chép trong ruộng lúa vào vụ mùa, không phải là mới đối với người nông dân huyện Hoàng Su Phì, trước đây chỉ có đồng bào dân tộc Dao ở các Nam Sơn, Nậm Khòa, Thông Nguyên, Nậm Ty… là thả nhiều cá chép ruộng, xong nhưng năm gần đây, mà đặc biệt là sau khi huyện Hoàng Su Phì ban hành phương án phát triển cá chép ruộng, được chính quyền địa phương khuyến kích, không chỉ đồng bào người Dao mà cả người Nùng, người Mông… đều thực hiện thả cá chép ruộng dưới chân ruộng lúa và vụ mùa.

Để sản phầm cá chép ruộng thực sự trở thành một sản phẩm hàng hóa, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng phương án bảo tồn và phát triển cá chép ruộng, nâng tầm cá chép ruộng thành ẩm thực chiến lược trong phát triển du lịch, theo đó huyện đã chọn mỗi xã, thị trấn ít nhất 5 hộ, có diện tích ruộng, diện tích ao đủ lớn để tích chữ và ươm giống cá chép ruộng để có cá thịt bán quanh năm, đồng thời có cá giống bán cho người dân khi bước vào vụ thả cá. Biến cá chép ruộng thành một sản phẩm du lịch.

Ông Lý Chòi Nhàn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cá nuôi trong ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá... Đây là mô hình hiệu quả, vừa tốn ít vốn vừa tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác và hạn chế được thuốc hóa học, làm giảm ô nhiễm môi trường. Với trên 3 nghìn ha ruộng bậc thang, tiềm năng phát triển con cá chép ruộng ở Hoàng Su Phì là rất lớn, nếu thực hiện tốt phương án phát triển cá chép ruộng, cộng với việc nâng cao ý thức trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Không lâu nữa cá chép ruộng sẽ trở thành một sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Hoàng Su Phì, thu nhập từ cá chép ruộng, cho người dân bằng hoặc hơn cả thu nhập từ cây lúa.

 


Tin khác

Liên kết website