Văn hóa - Xã hội

Bảo tồn các nét văn hoá truyền thống của người Dao ở Hoàng Su Phì

30/01/2023 10:15 48 lượt xem

Người Dao ở Hoàng Su Phì chiếm khoảng 28% dân số trong toàn huyện, sinh sống chủ yếu ở các xã phía Đông và phía Nam, là dân tộc định cư ở Hoàng Su Phì lâu đời và sống thành bản làng, nên người Dao nơi đây cơ bản vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua các lễ hội truyền thống, trang phục, tập quán tín ngưỡng và chữ viết. Mỗi lễ hội điều có những giá trị riêng tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn về văn hóa truyền thống của người Dao.

Bảo tồn các nét văn hoá truyền thống của người Dao ở Hoàng Su Phì

Văn hoá của dân tộc Dao nói chung, người Dao áo dài ở huyện Hoàng Su Phì nói riêng rất phong phú, đa dạng được thể hiện trong lễ cúng thần rừng, cúng đầu năm mới, nghi lễ cưới xin, tảo mộ, ma chay, trong tất cả hoạt động sinh hoạt văn hoá của người Dao áo dài ở Hoàng Su Phì đều có những bài hát, các làn điệu dân ca... Đặc biệt là các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì và coi trọng, trong đó nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của con trai là nghi lễ quan trọng không thể thiếu. Theo phong tục của người Dao áo dài, lễ cấp sắc được tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên, người thụ lễ sẽ được đặt tên âm, sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao áo dài mới được công nhận là đã trưởng thành, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.

Với người Dao áo dài, lễ cấp sắc được truyền lại qua nhiều đời, trước ngày thụ lễ, người được cấp sắc phải ở một mình, không được tiếp xúc với ai trong 2 ngày, sau khi làm lễ xong mới được tiếp xúc với mọi người, nghi lễ được thực hiện trong 2 - 3 ngày, với các nghi thức chính là trình diện và thụ đèn, tham gia lễ cấp sắc có 4 thầy chính và 2 thầy phụ, người được cấp sắc thông qua nghi lễ này sẽ được tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn và ý nghĩa của những bài cúng, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Có thể nói, lễ cấp sắc của người Dao áo dài là một nghi lễ đặc sắc trong đời sống của cộng đồng dân tộc Dao, chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục to lớn. Đây là một nét độc đáo riêng trong sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của người Dao.

Để duy trì và bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc Dao, thì bộ chữ nôm Dao truyền thống là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống, văn hóa tín ngưỡng truyền đời của người Dao, đặc biệt là Dao áo dài, đây là di sản quý giá đại diện cho văn hóa cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay người biết đọc, biết viết chữ nôm Dao không còn nhiều, chủ yếu là lớp người cao tuổi. Trăn trở trước thực trạng đó, một số nghệ nhân tâm huyết ở xã Bản Luốc đã duy trì lớp dạy chữ Nôm Dao cho đến nay.

Theo học lớp dạy chữ Nôm Dao các học viên không chỉ được học chữ viết, mà còn được truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc mình, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì thông thạo chữ viết dân tộc giúp mỗi học viên có thể tự nghiên cứu các văn tự của người Dao, hiểu về nghi lễ, phong tục để dạy con cháu, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Ngoài sinh hoạt cộng đồng cùng với các giá trị văn hoá của mình, người Dao áo dài ở huyện Hoàng Su Phì đã có thêm cơ hội để giao lưu, quảng bá các làn điệu dân ca, dân vũ của mình tại nhiều hoạt động văn hóa, các sự kiện của địa phương. Đó là những cách làm hay, linh hoạt để các thế hệ người Dao cùng ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng./.

Đặng Và

Tin khác

Liên kết website