Văn hóa - Xã hội

Độc đáo trong lễ cúng thần rừng ở Hoàng Su Phì

11/03/2019 00:00 162 lượt xem

Lễ cúng thần rừng tức “Mo Đống Trư” là lễ hội văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm. Đây là một nghi lễ hết sức quan trọng, trong đời sống vật chất, tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Nùng, thể hiện sự thành kính của con người trước thần rừng.

Theo lời của những người già kể lại, thần rừng trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Nùng có tên là “Hoàng Vần Thùng”, là người anh hùng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh tan quân sâm lược phương bắc, thu hồi đất đai và đem lại cuộc sống yên bình cho các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp là nơi linh thiêng để lập miếu thờ và tôn làm “Đổng Trứ” (tức là thần rừng). Từ đấy, cứ vào dịp tháng Giêng hàng năm, các làng người dân tộc Nùng thuộc các xã trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng thần rừng tại miếu thờ.

 

Ông Tải Sào Kim – Thầy cúng thần rừng ở Pố Lồ  cho biết trong lễ cúng rừng ngoài tỏ lòng thành kính với thần rừng, đồng bào dân tộc Nùng cũng mong thần rừng phù hộ cho dân bản có được sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, cây trồng phát triển tốt, không có sâu bệnh, đàn vật nuôi phát triển tốt, con cái học thật giỏi….

Trong không gian thiêng liêng của khu rừng cấm, tất cả mọi người tham gia lễ hội đều tự nguyện tuân thủ một quy định: Không nói hoặc có những hành vi thiếu văn hóa, không phóng uế gây ô nhiễm môi trường, kể cả trong ăn uống, ai cũng từ tốn giữ mình, không rượu chè quá chén kẻo nhỡ mồm miệng mà động chạm đến các thần linh. Đặc biệt, tất cả những người tham gia lễ cúng thần rừng trong khu rừng thiêng đều là đàn ông, không phân biệt tuổi tác, chính những quy định này đã tạo nên một cái gì đó rất huyền bí trong mắt du khách khi lần đầu tiên có mặt tại lễ cúng thần rừng.

Trong rừng cấm là không khí linh thiêng của núi rừng, thì phía ngoài rừng cấm lại là không khí của một ngày hội thực sự, mà ở đó mọi người trong bản đều có thể tham gia, họ cùng múa, cùng hát lên những làn điệu dân ca cổ truyền, những điệu múa mà chỉ người Nùng mới có, thể hiện đời sống, tâm linh, tín ngưỡng rất phong phú và đang dạng của đồng bào Nùng. Đám trẻ con trong bản và những đôi trai gái lại thỏa sức vui chơi qua các trò chơi dân gian như đánh yến, đu quay…

Trao đổi với chúng tôi, Ông Thèn Ngọc Minh – Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, lễ cúng thần rừng là ngày hội lớn của người Nùng ở Hoàng Su Phì, ngoài ý nghĩa về tín ngưỡng, tâm linh đây  là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu thắt chặt tỉnh đoàn kết với nhau. Từ khi được công nhận là du sản phi vật thể quốc gia năm 2016, huyện xác định sẽ từng bước nâng tầm của lễ cúng thần rừng, dần biến nó trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thông thường mang đậm nét văn hóa của cư dân nông nghiệp, tục cúng Thần Rừng của người Nùng ở huyện Hoàng Su Phì còn mang một ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, đó là ý nghĩa giáo dục nhân dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là trong phát triển du lịch văn hóa sau này.

Hoàng Tính

Tin khác

Liên kết website