Văn hóa - Xã hội

Vai trò của các hộ gia đình trong phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững

29/11/2017 00:00 210 lượt xem

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, chương trình giảm nghèo của huyện Hoàng Su Phì đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2016 hộ cận nghèo năm 2016 tổng số toàn huyện có 13.331 hộ = 66.156 khẩu, trong đó hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều có 7.091 hộ = 34.480 khẩu, chiếm 53,19%; hộ cận nghèo 1.887 hộ = 9.419 khẩu, chiếm 14,15%, tỷ lệ giảm hộ nghèo năm 2016 là 7,85%. Tuy nhiên thực tế cho thấy đời sống của một bộ phận nhân dân có thu nhập sát ngưỡng nghèo cũng rất bấp bênh và là có nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào. Trong khi đó, nền kinh tế của huyện Hoàng Su Phì chủ yếu là nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên nên công tác giảm nghèo bền vững luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hoàng Su Phì đặc biệt chú trọng chăm lo việc phát triển kinh tế gắn với các chương trình an sinh xã hội khác bởi nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức về trồng trọt chăn nuôi để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội đề ra.

 

Về phát triển kinh tế, các hộ nghèo được ưu tiên vay vốn sản xuất, hỗ trợ về giống cây trồng vật nuôi, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp và các sản phẩm đặc thù của địa phương, đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ năm 2014, huyện đã triển khai phát động phong trào mỗi địa phương, mỗi cán bộ chủ chốt xây dựng một mô hình phát triển kinh tế, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm các mô hình có hiệu quả để nhân rộng. Từ các chương trình này, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được triển khai nhân rộng đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế và giảm nghèo của địa phương. Tiêu biểu là mô hình trồng rau chất lượng cao tại các xã Bản Luốc, Thàng Tín, mô hình trồng và chế biến chè tại các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu, mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hồ Thầu, Bản Luốc, Thông Nguyên, Bản Phùng… Về lĩnh vực văn hóa xã hội, các công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư, các hộ nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, con em được miễn giảm học phí và hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian theo học tại các trường phổ thông để giải quyết một phần khó khăn về kinh phí cũng như các điều kiện khác để dành nguồn lực phát triển kinh tế.

 

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững thì không thể thiếu vai trò của các hộ gia đình bởi đây là nhân tố quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy để đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo trong những năm tới các hộ gia đình cần tiếp tục nêu cao ý chí chủ động vươn lên, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, các hộ đã thoát nghèo cần vươn lên khá giả, nhân rộng hơn nữa các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong giai đoạn phát triển mới. 


Tin khác

Liên kết website