Văn hóa - Xã hội

Người phụ nữ góp phần bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Tày – Nùng trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì

04/07/2018 00:00 392 lượt xem

Trang phục truyền thống là sản phẩm vật chất của lao động, nó không những chưa đựng những giá trị lịch sử nhân văn mà nó còn là nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Để làm nên bộ trang phục đẹp, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn trang phục truyền thống.

 Chị Hoàng Thị Đơn, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông dân tộc Tày tại xã Chiến Phố, từ nhỏ chị đã được mẹ dạy may vá, thêu thùa với những việc đơn giản như khâu và thêu khăn tay, túi đựng trầu, khăn đội đầu, sau đó mẹ chị đã truyền dạy cho chị công thức may bộ trang phục của dân tộc. Sau này lớn hơn chị được bố mẹ nuôi ăn học, sau khi ra trường chị làm đủ các nghề để có thu nhập để không phụ thuộc vào bố mẹ. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, chị được tuyển dụng làm giáo viên, ban đầu chị được phân công giảng dạy tại xã Tiên Nguyên (nay là huyện Quang Bình – tỉnh Hà Giang), hiện nay chị đang giảng dạy tại Trường PTDT bán trú THCS xã Chiến Phố - huyện Hoàng Su Phì, với nguồn thu nhập từ lương khi mới đi làm chưa đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nhất là sau khi chị kết hôn có thêm con nhỏ. Từ đó, chị đã lựa chọn cho mình hướng đi riêng đó là may trang phục dân tộc Tày – Nùng ngoài giờ lên lớp, vừa để phục vụ gia đình, giữ gìn nét truyền thống của dân tộc, vừa để bán cho bà con có nhu cầu để tăng nguồn thu nhập.

Ban đầu do chưa có điều kiện, chị vẫn tự cắt, khâu bằng tay. Dần dần nhờ có khiếu thẩm mỹ, đặc biệt là nhờ sự tỷ mỷ trong mỗi đường kim, mũi chỉ, chị đã tạo được sự tin tưởng của khách hàng, số lượng khách hàng tìm đến chị ngày càng nhiều, từ người già, người trung niên, các em học sinh,  đến các cặp bạn trẻ chuẩn bị kết hôn cũng tìm đến chị để chuẩn bị cho mình bộ trang phục đẹp trong ngày trọng đại của đời người.

Đến năm 2011, chị đã tích cóp tiền mua được chiếc máy khâu, giúp chị may quần áo được thuận tiện hơn, may các bộ trang phục phục vụ bà con cũng nhanh hơn. Tâm sự với chị, chị nói: chị rất vui khi làm được một việc thực sự có ý nghĩa cho nhiều người, việc mà hiện nay nhiều chị em phụ nữ và nhất là lớp trẻ hiện nay đã lãng quên.

Bằng sự say mê, bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc, ngày ngày sau giờ lên lớp chị vẫn cần mẫn bên chiếc máy khâu để may những bộ trang phục đẹp với những hoa văn, đường nét hài hòa, tinh tế. Việc làm của chị đã góp phần bảo tồn trang phục truyền thống văn hóa dân tộc Tày – nùng trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.


Tin khác

Liên kết website