Văn hóa - Xã hội

Huyện Hoàng Su Phì đẩy mạnh công tác bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển du lịch

27/11/2017 00:00 379 lượt xem

            Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất phía tây tỉnh Hà Giang.Toàn huyện có 25 đơn vị hành chính, bao gồm 24 xã và 1 thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 63.238,06 ha, dân số 64.991 người. Là địa phương vùng cao có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, địa hình chia cắt mạnh, giao thông không thuận tiện, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, với bề dày hàng trăm năm lịch sử của công cuộc khai phá, bảo bệ bờ cõi cũng như chế ngự thiên nhiên để sinh sống, các thế hệ người dân của huyện Hoàng Su Phì đã sản sinh và bồi đắp nên một nền tảng bản sắc văn hóa hết sức đa dạng và phong phú, được người dân nơi đây nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì. Mặc dù mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng biệt nhưng nếu xét về tổng thể thì cội rễ của văn hóa của cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì chính là đặc trưng văn hóa cư dân nông nghiệp trên cơ sở sự pha trộn giữa văn hóa canh tác nương dẫy với nền văn minh lúa nước. Biểu hiện của nó là những tập quán, các tri thức dân gian về thời tiết mùa vụ, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, và đặc biệt là những phương thức lao động sản xuất và sinh hoạt. Các giá trị văn hóa đó phản ánh rõ nét khát vọng cũng như quá trình đấu tranh khắc nghiệt nhằm chinh phục thiên nhiên để mưu sinh, tồn tại và phát triển của cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đến tận ngày nay. Song, các giá trị văn hóa này tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực sau:

+ Văn hóa phi vật thể.

Có thể nói, các giá trị văn hóa phi vật thể của huyện Hoàng Su Phì vô cùng đa dạng phong phú và mang tính bao trùm, được người dân lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đó là:

- Các lễ thức lễ hội, lễ thức dân gian và tín ngưỡng tiêu biểu: Lễ cúng thần rừng của dân tộc Nùng, của dân tộc Dao đỏ, lễ cúng Hoàng Vần Thùng của dân tộc Cờ Lao, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới, lễ cúng ma khô của dân tộc Nùng, lễ hội Quyás Hiéng, lễ cấp sắc, lễ cúng Bàn Vương, lễ cúng hồn lúa, lễ nhảy bói của dân tộc Dao, tết Khu cù tê, lễ xin giống và lễ đóng kho của dân tộc La Chí.

- Các làn điệu dân ca dân vũ, diễn xướng, kho tàng truyện cổ tích, tri thức dân gian đề cập đến mọi lĩnh vực của cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, các bài văn cúng tế và các văn tự cổ của các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông, Cờ Lao, La Chí...

- Trang phục truyền thống cùng các họa tiết, hoa văn độc đáo và đa dạng, cách thức chế biến và sử dụng món ăn truyền thống, các kiến thức về y dược cổ truyền.

- Cách thức tổ chức quản lý cộng đồng làng bản, gia đình, dòng họ...

+ Văn hóa vật thể.

Từ đặc điểm về địa lý, địa hình, khí hậu và môi trường sống nên trải qua nhiều thế hệ các cư dân của huyện Hoàng Su Phì đã hình thành và kiến tạo nên những giá trị văn hóa vật thể độc đáo, đa dạng và riêng có. Tiêu biểu là Danh thắng ruộng bậc thang trải đều trên 25 xã, thị trấn của huyện. Hệ thống đền, miếu, kiến trúc nhà ở truyền thống, công cụ sinh hoạt, lao động sản xuất của 12 dân tộc chủ yếu trên địa bàn huyện.

Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã góp phần làm phong phú thêm những sắc màu của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trải suốt chiều dài lịch sử, các giá trị văn hóa này tồn tại và phát triển mang tính cộng sinh cùng với quá trình định cư của các tộc người trên địa bàn huyện. Song vài năm trở lại đây do sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống của huyện Hoàng Su Phì đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thậm chí mất dần.

Từ năm 2007, huyện Hoàng Su Phì nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung đã quan tâm phát triển du lịch nhằm thay đổi cán cân thu nhập theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và du lịch, giảm tỷ trọng nông nghiệp, nhất là từ năm 2014 UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định số 1646 ngày 20/8/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2016, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI tiếp tục xác định mục tiêu đến năm 2020, du lịch Hà Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ. Do vậy việc bảo tồn và khôi phục văn hóa truyền thống trong đó có các di tích, di sản của cộng đồng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì để phục vụ phát triển du lịch được các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người dân đặc biệt quan tâm. Căn cứ Chương trình số 62 của BTV Tỉnh ủy, năm 2013, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2013 - 2020, năm 2016 UBND huyện ban hành Đề án số 03 về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2015 - 2020” Trên cơ sở kết quả kiểm kê các di sản văn hóa trên địa bàn huyện do Bảo tàng tỉnh Hà Giang phối hợp tổ chức, huyện Hoàng Su Phì đã tiến hành phân loại và xác định các di sản văn hóa cần được ưu tiên bảo tồn, khôi phục và phát huy với từng lộ trình cụ thể để đưa các giá trị văn hóa này thành những sản phẩm du lịch độc đáo và riêng có của huyện. Kết quả đến nay đã có 08 di tích, di sản được các cấp ra quyết định xếp hạng và đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Di tích cấp quốc gia ruộng bậc thang tại 11 xã với tổng diện tích trên 1.200 ha, 03 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ cúng thần rừng dân tộc Nùng, Lễ hội Quyãs Hiéng dân tộc Dao, tết Khu cù tê dân tộc La Chí. Các di tích cấp tỉnh gồm di tích Bốt Pháp, đền Vinh Quang, đền Suối Thầu, khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng xã Bản Phùng, Bản Máy. Ngoài ra, một số di sản văn hóa độc đáo như lễ nhảy bói, lễ hội Bàn Vương, các làn điệu dân ca dân vũ, kiến trúc truyền thống đã và đang được huyện phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh lập kế hoạch bảo tồn và đề nghị các cấp xếp hạng di tích, di sản.

Cũng từ việc xác định đưa các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng nhân dân các dân tộc của huyện trở thành những sản phẩm du lịch là một trong những nhiệm vụ cần được tập trung chỉ đạo thực hiện, vì vậy từ năm 2007, nhất là từ khi huyện triển khai Dự án tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại 05 xã vùng trọng điểm du lịch của huyện thì việc bảo tồn và khôi phục văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong huyện được đặc biệt quan tâm. Tại các thôn bản này, một số ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống đã được đầu tư cải tạo nâng cấp để làm nơi ăn nghỉ cho khách du lịch đến tham quan trải nghiệm và nghiên cứu văn hóa bản địa. Hiện nay, huyện đã xây dựng được 04 đội văn nghệ dân gian tại thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên, thôn Nậm Ai xã Nam Sơn, thôn Tân Phong xã Hồ Thầu và thôn Suối Thầu xã Bản Luốc với các tiết mục tiêu biểu đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc do các nghệ nhân văn hóa dân gian làm nòng cốt để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Riêng tại 2 thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên và thôn Tân Phong xã Hồ Thầu đã được Dự án CRED hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí sưu tầm hiện vật văn hóa truyền thống đặc trưng để xây dựng 02 bảo tàng mi để bảo tồn văn hóa truyền thống và phục vụ nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu văn hóa của khách du lịch.  Cũng từ năm 2015 đến nay, huyện Hoàng Su Phì cũng tiếp tục duy trì hoạt động tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ tại các trung tâm cụm xã, cụm dân cư với sự tham gia của các nghệ nhân dân gian và các hạt nhân văn nghệ của các xã, các nhà trường, thôn bản. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Đề án giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2020 cũng được các cấp chính quyền và các nhà trường trong huyện thực hiện có hiệu quả đã tạo đà cho việc bảo tồn khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ sự nghiệp du lịch của huyện.

Từ những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo tồn phát huy các giá trị di sản để phục vụ du lịch, trong những năm tới, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục xác định lĩnh vực du lịch là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm khai thác nhằm thay đổi cán cân thu nhập cho người dân, trong đó tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Chính vì vậy, huyện đã xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trong việc Bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Đó là:

Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, quy hoạch, dự án phát triển văn hoá. 

 Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộckhuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nhất là các Hội nghệ nhân dân gian, các nhà trường trong việc nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Khuyến khích việc mở và duy trì các lớp truyền dạy, chữ viết của các dân tộc cũng như việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, các tác phẩm văn học nghệ thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu và ứng dụng các tri thức về y, dược học cổ truyền; khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác trong nhân dân.

Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật để có nhiều sản phẩm văn hoá đáp ứng nhu cầu của công chúng. Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới. Giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong làng, bản, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình.

 Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới. Xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa trên cơ sở kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Tổ chức hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh để thu hút nhân dân tham gia.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2020. Lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào các dân tộc trong huyện.


Tin khác

Liên kết website