Văn hóa - Xã hội

Hoàng Su Phì phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

27/08/2021 08:46 149 lượt xem

Là huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có 12 dân tộc sinh sống, trong đó có những dân tộc đặc biệt ít người của cả nước như: La Chí, Cờ Lao, Phù Lá… Những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền huyện cũng đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiếu số nhằm xây dựng đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch tại địa phương.

Hoàng Su Phì phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số
Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu

Các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiếu số của T.Ư, của tỉnh, từ năm 2010 đến nay, công tác xây dựng làng văn hóa du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các các di sản văn hóa đã được huyện Hoàng Su Phì triển khai hiệu quả. Các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc được các xã, thị trấn tổ chức thường xuyên như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ Cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Tết Khu cù tê của người La Chí, Lễ cúng Hoàng Vần Thùng của dân tộc Cờ Lao… 

Từ năm 2013 đến nay, huyện đã tổ chức thành công Tuần văn hóa du lịch “Qua miền di sản Ruộng bậc thang” theo định kỳ hàng năm gắn với việc phục dựng và duy trì các lễ thức, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc trong huyện. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá các hình ảnh về văn hóa, thiên nhiên, con người và tiềm năng du lịch của huyện với đông đảo du khách.

Tại các thôn, bản, hàng năm đều duy trì các lớp truyền dạy chữ nho và chữ nôm, như ở các xã Bản Luốc, Nậm Ty, Hồ Thầu, Thông Nguyên... Từ năm 2016 – 2018, các xã đã mở được 18 lớp với 320 học viên theo học. Ngoài việc học chữ, các lớp còn truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống như mối quan hệ ứng xử trong giao tiếp, nguồn gốc gia phả dòng tộc, các tri thức dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ, qua đó góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 24 hội nghệ nhân dân gian tại 24 xã, thị trấn với 831 hội viên. Qua thực tiễn hoạt động, các hội nghệ nhân dân gian đã góp phần tích cực và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, bài trừ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh tại các thôn, bản, khu dân cư.

Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, di sản văn hóa luôn được huyện quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 di tích, di sản được xếp hạng và đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Di tích quốc gia ruộng bậc thang; Lễ cúng thần rừng dân tộc Nùng; Lễ hội Quýa Hiéng dân tộc Dao, Tết Khu cù tê dân tộc La Chí; di tích Bốt Pháp; khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng… Các di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh đã được địa phương bảo tồn và khai thác hiệu quả. Các lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cũng được phục dựng, tổ chức thường niên, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân. 

Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện có 7 thôn, bản lập đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng và đã được huyện phê chuẩn với các mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể. Tại các làng văn hóa du lịch, huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch nhằm cung cấp các dịch vụ cho du khách đến ăn nghỉ tại các gia đình. Đến nay, đã hỗ trợ từ nguồn ngân sách của huyện 210 triệu đồng cho 185 hộ gia đình trong các làng văn hóa du lịch để chỉnh trang, cải tạo nhà cửa làm dịch vụ homestay; hỗ trợ 340 triệu đồng làm nhà văn hoá cộng đồng cho 3 làng văn hoá du lịch. Theo đánh giá, lượng khách du lịch đến các làng văn hóa trên địa bàn tăng dần qua từng năm, giúp các hộ làm dịch vụ có việc làm và nâng cao thu nhập.

Có thể khẳng định, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiếu số trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH của địa phương.

Vũ Thùy Linh - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang

Tin khác

Liên kết website