Gương người tốt - việc tốt

Hiệu quả của phong trào xóa nhà tạm tại huyện Hoàng Su Phì

11/03/2021 02:13 82 lượt xem

Đối với rất nhiều bà con dân tộc ở vùng cao, được ở trong những ngôi nhà bê tông kiên cố vốn là niềm mơ ước cả đời và phong trào xóa nhà tạm cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo được lan tỏa, đã biến những giấc mơ đó thành hiện thực. Phong trào xóa nhà tạm tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang trong phóng sự sau đã cho thấy hiệu quả của mô hình kết hợp giữa sự vận động của chính quyền, sức dân và nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Ngôi nhà sàn kết cấu bê tông này đang được gia đình bà Chủng gấp rút hoàn thiện trước Tết. Ngoài việc tự chi trả một phần, thì kinh phí xây nhà, bà Chủng được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, đặc biệt không phải sử dụng đến ngân sách của nhà nước.

 Bà Nùng Thị Chủng, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết: Trước đây nhà ở tạm bợ mùa đông thì rét mùa mưa thì dột, nhưng được Đảng và nhà nước hỗ trợ thì cũng cố gắng làm. Cán bộ thôn, xã cũng thường xuyên xuống thăm nom nắm bắt tình hình, chúng tôi mừng lắm. Số tiền 60 triệu đồng hỗ trợ không phải quá lớn đối với mỗi gia đình nhưng giá trị hơn cả chương trình đã nhận được sự ủng hộ của toàn hệ thống chính trị với phong trào “Ngày thứ 7 giúp dân”. Vào thứ 7 hàng tuần mọi lực lượng từ cán bộ xã, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, người dân trong thôn đã tới hỗ trợ bà con dựng nhà theo hình thức luân phiên.

 Sau hơn 1 năm triển mô hình xóa nhà tạm, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng được gần 500 ngôi nhà cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách, hộ nghèo ở biên giới và các xã nội địa. 

Ông Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết thêm: Chúng tôi tổ chức làm theo hình thức 3 cứng: mái cứng, nền cứng, tường cứng. Bà con được ở trong những ngôi nhà 3 cứng như thế thì rất an toàn trong mùa mưa lũ cũng như trong đợt rét đậm rét hại. Sự đảm bảo để người dân được sống trong chính nhà của mình, những vùng sâu vùng xa vừa là việc bảo vệ biên cương, hai nữa là được yên tâm lao động sản xuất tại những nơi người ta đã gắn bó lâu đời.

Những căn nhà vững chãi mọc lên giữa núi đồi cheo leo, ngút ngàn chính là cầu nối đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, là nguồn động viên to lớn để bà con vững tin, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy, hướng tới giảm nghèo bền vững.


Tin khác

Liên kết website