Văn hóa - Xã hội

Đẩy mạnh bảo tồn phát huy giá trị danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì để phục vụ du lịch

27/11/2017 00:00 376 lượt xem

            Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất phía tây tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 25 đơn vị hành chính, bao gồm 24 xã và 1 thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 63.238,06 ha, dân số 64.991 người. Là địa phương vùng cao có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, địa hình chia cắt mạnh, giao thông không thuận tiện, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nên từ bao đời nay canh tác nông nghiệp là một trong lĩnh vực chiếm tỷ lệ chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện. Theo thống kê hiện nay Hoàng Su Phì có tổng số 3.720,6 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 25/25 xã, thị trấn của huyện. Các thửa ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì uốn lượn trùng điệp và chạy dài từ ven suối lên đỉnh núi và xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè cổ thụ và những dòng sông, khe suối, tạo thành bức tranh thiên nhiên hài hòa, nhiều màu sắc. Cảnh quan ruộng bậc thang của huyện đẹp nhất là vào mùa cấy từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và mùa lúa chín từ tháng 8 đến giữa tháng 10 hàng năm. Đây là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì bởi trải qua quá trình hàng trăm năm các thế hệ người dân Hoàng Su Phì đã không ngừng tôn tạo bồi đắp để tạo lên những thửa ruộng bậc thang trùng điệp trải dài quanh các sườn núi như ngày nay. Nó mang ý nghĩa lịch sử, minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng. Với lịch sử hàng trăm năm, giá trị văn hóa của ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì được thể hiện ở kinh nghiệm canh tác, tập quán sản xuất cũng như các phong tục tập quán mang những nét riêng của mỗi dân tộc, nó in đậm những nét đặc trưng khác nhau. Không những vậy, ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì còn mang lại giá trị cảnh quan mà không phải là kết quả lao động trong một thời gian nhất định là có được. Những thửa ruộng bậc thang là một bức tranh kỳ vĩ, một vẻ đẹp hoang sơ trên nền không gian thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi vùng cao tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp có giá trị phát triển du lịch bền vững.

 

               Mặc dù mỗi dân tộc đều có những tập quán canh tác khác nhau, song kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các những thửa ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì được người dân kiến tạo và khai thác với một quy trình như sau:

 

               * Thứ nhất: Lựa chọn vùng đất.

Việc chọn nơi làm ruộng được đồng bào cả người Dao và người Nùng tiến hành một cách cẩn thận. Khu vực đáp ứng đủ yêu cầu phải là nơi đất đai tơi xốp, màu mỡ, không có đá to, độ dốc của đất không lớn, có khả năng tạo được mặt bằng ruộng có độ rộng, dài và thuận tiện về nguồn nước,

* Thứ hai: Khai phá ruộng.

Việc khai phá ruộng được các nhóm hộ cùng chung sức làm theo hình thức đổi công bởi việc khai phá được một thửa ruộng đòi hỏi tốn rất nhiều công sức, đây cũng là một trong những giá trị mang đậm tính nhân văn của cư dân Hoàng Su Phì để tạo nên những thửa ruộng bậc thang. Đầu tiên là việc tạo mặt bằng ruộng với những công cụ để khai phá ruộng hết sức đơn giản như cuốc, cày, bừa gỗ và dao. Quy trình khai phá ruộng được bắt đầu từ nơi cao nhất xuống thấp, đồng thời lấy mực nước để định vị mặt bằng cho các thửa ruộng. Khi đã có mặt bằng họ tiến hành đắp bờ rồi đưa nước vào ngâm chân ruộng.

* Thứ ba: Làm bờ ruộng và cấy lúa.

Công việc này được tiến hành ngay sau khi đã có mặt bằng ruộng. Tại các thửa ruộng sau khi tạo mặt bằng thì đồng bào sẽ để lại một dải đất rộng chừng 20 cm làm thành bờ ruộng, sau đó đưa nước vào ngâm chân ruộng. Đối với các thửa ruộng đã được canh tác ổn định thì khi đến vụ cấy các gia đình sẽ đi đắp bờ ruộng và tu chỉnh lại những đoạn bờ đã hư hỏng từ năm trước để giữ nước. Khi hoàn thành công việc làm bờ cũng là lúc đồng bào chuẩn bị cho một vụ cấy mới. Ruộng sẽ được đưa nước vào cho đủ rồi cày, bừa lại lần cuối và bón lót phân chuồng sau đó mới tiến hành cấy. Để chống sạt lở thì bên thành bờ đồng bào dùng xẻng cán dài nạo sạch cỏ xuống tận mép ruộng dưới nhưng phía trên thành bờ chừa lại khoảng 10 cm không nạo cỏ để tạo độ lên kết. Đây là kinh nghiệm độc đáo trong sản xuất nông nghiệp được đúc kết qua nhiều năm canh tác trên ruộng bậc thang của cư dân nông nghiệp Hoàng Su Phì, những đường cỏ này chính là sợi dây liên kết tạo nên sự chắc chắn cho những bờ ruộng. Đồng thời đây cũng là nét riêng có của những thửa ruộng của Hoàng Su Phì.

Cũng như nhiều dân tộc có truyền thống canh tác nông nghiệp khác, các cư dân nông nghiệp của huyện Hoàng Su Phì có tín ngưỡng thờ đa thần, vì vậy đã sản sinh và duy trì nhiều nghi lễ tín ngưỡng cùng các tập quán kiêng kỵ liên quan đến trồng trọt và chăn nuôi như cúng cầu mùa, cúng hồn lúa, cúng thần rừng, thần sấm, lễ mừng cơm mới cũng như các quan niệm, tri thức dân gian về mùa vụ, cách thức ứng xử giữa người và thế giới thần linh… Song dù dưới hình thức nào thì việc kiến tạo lên những thửa ruộng bậc thang là một sự sáng tạo phi thường, một biểt tượng văn hoá thể hiện tính thích ứng tuyệt vời của cư dân nông nghiệp Hoàng Su Phì với môi trường vùng núi bởi đây là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên đồi núi đất của huyện Hoàng Su Phì. Bên cạnh đó, việc canh tác trên ruộng bậc thang đã góp phần hạn chế việc chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, ổn định cuộc sống, xóa bỏ hình thức du canh, du cư, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở đây cũng chính là lịch sử hình thành nên các bản làng định cư trong vùng. Mặt khác, từ những nét văn hoá riêng, những phương thức sản xuất riêng của từng dân tộc họ đã biết học hỏi khai thác lẫn nhau những kinh nghiệm để tạo nên những phương thức sản xuất tối ưu, tạo nên những kinh nghiệm sản xuất hay chính là những nét văn hoá riêng, khác biệt so với những vùng miền khác. Trong khi đó, xét về những giá trị về văn hoá thì ruộng bậc thang đã đóng góp thêm phần không nhỏ tạo lên vẻ đẹp cho vùng đất Hoàng Su Phì với một bức tranh khổng lồ đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại, đủ sức làm say lòng bất cứ ai khi đến với vùng đất này.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì lần thứ XX nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định việc phát triển lĩnh vực du lịch của huyện chủ yếu là du lịch sinh thái và văn hoá cộng đồng, đây là những tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương. Vì vậy, các thửa ruộng bậc thang của huyện càng có vai trò và giá trị to lớn đối với lĩnh vực du lịch của huyện, nhất là từ năm 2011 đến nay đã có 1.380 ha trong tổng số hơn 3.600 ha ruộng bậc thang tiêu biểu tại 11 xã gồm Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa đã được Bộ Văn hóa Thể thao & DL đã ra quyết định xếp hạng danh thắng cấp Quốc gia, cùng với các di tích di sản khác của huyện Hoàng Su Phì, danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách, tạo bước nhảy vọt về kinh doanh du lịch trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên do đây là lĩnh vực mới mẻ nên quá trình khai thác tiềm năng du lịch danh thắng ruộng bậc thang những năm qua cho thấy một số tồn tại đó là: Do đặc trưng hầu hết các thửa ruộng bậc thang của huyện là ruộng 1 vụ nên khách du lịch thường đến theo mùa, đó là mùa cấy và mùa lúa chín là 2 thời điểm các thửa ruộng có cảnh quan đẹp nhất. Trong khi đó, do thói quen canh tác và chủ yếu là thuần nông nên người dân chưa tập trung khai thác các sản phẩm nông nghiệp ngoài cây lúa như rau sạch, chăn nuôi, hoa quả. Các lễ thức, lễ hội độc đáo gắn với yếu tố mùa vụ, canh tác nông nghiệp mặc dù đa dạng phong phú nhưng chưa được người dân tập trung khai thác và chưa trở thành sản phẩm du lịch để phục vụ khách du lịch. Việc quảng bá tiềm năng cũng như những giá trị về cảnh quan ruộng bậc thang mặc dù đã được tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nhưng chưa thực sự đủ mạnh và chưa rộng khắp nên một bộ phận lớn du khách còn chưa biết đến. Mặt khác, Hoàng Su Phì là một trong những huyện nghèo của tỉnh, cơ sở hạ tầng và đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, việc đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa trong đó có danh thắng ruộng bậc thang còn hạn chế.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng của danh thắng ruộng bậc thang, tạo thương hiệu cho phát triển du lịch huyện Hoàng Su Phì. Trong những năm tới, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp sau:

1. Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương trong việc khai hoang mở rộng diện tích các khu ruộng để tạo mật độ tăng diện tích đối với các địa bàn trọng điểm.

2. Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá, tín ngưỡng, các tri thức dân gian về nông vụ cũng như các phong tục tập quán liên quan đến quá trình canh tác ruộng bậc thang của các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời lựa chọn các giá trị văn hóa tiêu biểu để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cung cấp cho du khách khi có yêu cầu.

 3. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của danh thắng ruộng bậc thang. Khuyến khích các nghệ nhân tham gia phổ biến trình diễn các hoạt động nghệ thuật tín ngưỡng dân gian truyền thống, nhất là các lễ hội, lễ thức liên quan đến mùa vụ canh tác sản xuất.

4. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống. Tổ chức hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh để thu hút nhân dân tham gia.

5. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép các chương trình dự án đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào các dân tộc.

6. Tạo điều kiện cho các công ty du lịch tổ chức và khai thác các tua tuyến du lịch kết hợp với các hoạt động trải nghiệm làm mùa vụ như cấy gặt lúa, hái và chế biến chè, chế biến các món ăn cũng như các dịch vụ chụp ảnh, trải nghiệm văn hóa và các cuộc liên hoan, thể thao mạo hiểm qua các vùng danh thắng ruộng bậc thang của huyện.

Với những nỗ lực cố gắng, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, trong thời gian tới việc khai thác tiềm năng danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì sẽ tiếp tục được quan tâm, góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch của địa phương.


Tin khác

Liên kết website