Văn hóa - Xã hội

Lễ cúng rừng "Mo Đổng Trư": Nét đẹp văn hóa phi vật thể Quốc gia của người Nùng xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì)

03/03/2017 00:00 99 lượt xem

Hàng năm, cứ đến ngày 2.2 âm lịch, người Nùng ở xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) lại cùng nhau tổ chức “Mo Đổng Trư” - Lễ cúng rừng trong một ngôi miếu trên đỉnh núi tại rừng cấm thuộc thôn Thu Mưng để dâng lên thần rừng những lễ vật và cầu chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu.

 

Chuẩn bị Lễ vật cúng rừng.

 

Tích xưa kể rằng: Cách đây mấy trăm năm, các tộc họ dân tộc Nùng dưới sự cai quản của một vị Tù trưởng Cản Lủng và 3 cận thần, gồm: ông Tí Táo, ông Bảo và ông Liều đã có một cuộc sống ấm no nhà, nhà hòa thuận. Vì vậy, Tù trưởng Cản Lủng được mọi người tin yêu, tôn là Minh chủ. Một ngày kia, bọn giặc từ phương Bắc tràn xuống. Được rừng, núi bảo vệ che chắn, các nhóm thanh niên dân tộc Nùng dưới sự chỉ huy của Cản Lủng và các hộ vệ thân tín đã xây dựng lán, trại, đào hào, đắp lũy để chống lại quân giặc. Nhưng bọn giặc nham hiểm tàn ác thả thuốc độc vào nguồn nước. Trong một lần đi tuần, Cản Lủng cùng một số tùy tùng đã bị trúng độc của quân giặc và đã chết. Cái chết của Cản Lủng và các trai làng, gái bản đã thấu đến tận trời, khiến cho Vua trời Hạn Hung động lòng. Một ngày đầu tháng 7 âm lịch, Hạn Hung đã cử quân binh, thiên tướng nhà trời xuống hạ giới đến địa phận các xã Ngàm Đăng Vài, Tân Tiến, Đản Ván để giúp các tộc họ người Nùng chống lại quân giặc. Đến địa phận các xã Pố Lồ, Tụ Nhân, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài và dẹp tan được quân giặc. Vui mừng trước chiến thắng, các thủ lĩnh, phụ tá của Cản Lủng đã sai các trai tráng mở hội mổ trâu, đồ xôi thết đãi thiên tướng. Và, trong ngày chiến thắng này Hạn Hung đã vi hành xuống hạ giới và phong Tù trưởng Cản Lủng là thần rừng. Kể từ đó, cứ đến ngày mùng 2.2 âm lịch hàng năm, các gia đình người Nùng lại góp gạo góp tiền mua sắm lễ vật tổ chức mổ trâu để cúng tế Cản Lủng tại miếu thờ được lập giữa rừng cấm để cầu mong Cản Lủng phù hộ cho dân làng một năm mùa màng tươi tốt con người có sức khỏe và hạnh phúc. Cũng vào ngày mùng 1.7 âm lịch hàng năm, các thôn bản của người Nùng lại tổ chức ăn Tết và trong ngày này họ lấy bông hoa lau đặt trên bàn thờ; các chàng trai, cô gái phụ nữ dân tộc Nùng ăn mặc những bộ trang phục đẹp nhất để nhớ về ngày chiến thắng năm xưa. Và, nét đẹp văn hóa đó đã được bao thế hệ người Nùng của huyện Hoàng Su Phì gìn giữ cho đến ngày nay.

 

Sau khi cúng rừng, toàn bộ số thịt được chế biến để mọi người thụ lộc.

 

Trong không gian thiêng của khu rừng cấm, tất cả mọi người tham gia Lễ hội đều tự nguyện tuân thủ quy định: Không nói tục chửi bậy, không khạc nhổ, phóng uế, kể cả trong ăn uống, ai cũng từ tốn giữ mình, không rượu chè quá chén kẻo nhỡ mồm miệng mà động chạm đến các thần. Và, còn một điều cấm kỵ tuyệt đối với phụ nữ, trẻ nhỏ không được đặt chân lên khu rừng cấm trong suốt quá trình diễn lễ cúng, tất cả mọi việc từ chuẩn bị lễ, chế biến thức ăn đều do đàn ông đảm nhiệm. Sau khi việc tế lễ kết thúc, thầy chủ tế và các bậc cao niên, các trưởng thôn trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép, còn toàn bộ số thịt được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người trong bản cùng thụ lộc.

 

Bà con nhân dân tham gia các trò chơi.

 

Nhảy những điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng.

 

Con trẻ tham gia trò chơi trong Lễ cúng rừng.


Tin khác

Liên kết website