Văn hóa - Xã hội

Gian nan đường về miền Tây

03/07/2015 00:00 172 lượt xem

BHG- Mới đây, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện các dự án giao thông quan trọng có tác động liên vùng, trong đó có tuyến ĐT 177 (Bắc Quang - Xín Mần) với tổng mức đầu tư lên tới gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Đây là tuyến chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối với các tỉnh Tây Bắc, nhưng vô cùng hiểm trở và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Một cây số 30 khúc cua

Trên chuyến xe ngược miền Tây, cậu lái xe người Hoàng Su Phì hiện đang làm việc tại thành phố Hà Giang kể, ngày xưa có ý định đưa bạn gái về ra mắt gia đình. Cô gái có “máu” say xe nên cứ hỏi chuyện đường đi. Sau khi nghe kể về quãng đường lên Hoàng Su Phì thì bỗng cô gái mặt tái xanh, từ đó không thấy nhắc chuyện về ra mắt nữa. Quả thực, từ ngã ba Tân Quang (Bắc Quang) giao cắt với QL2, chiếc xe chở nhóm phóng viên rẽ vào Tỉnh lộ 177 (ĐT 177), đi thêm vài cây số đã có thể cảm nhận sự khác biệt của một con đường vắt vẻo với những khúc cua liên tục. Có lẽ, hiếm cung đường nào, những điểm cua lại liên tục như ở đây. Những khúc cua có bán kính đường cong nhỏ, dốc dọc lớn khiến tầm nhìn bị hạn chế. Vì thế, chiếc xe chạy như... rùa bò, còn chiếc vô lăng gần như không ngưng nghỉ, hết đánh lái sang trái, rồi vặn ngược sang phải. Nếu không quan sát liên tục sẽ đấu đầu với xe ngược chiều vì bị che khuất tầm nhìn.
 


Chúng tôi không khỏi giật mình khi cậu lái xe cho biết, chỉ có 60 cây số nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới tới trung tâm huyện Hoàng Su Phì. Tính trung bình, vận tốc chỉ đạt khoảng 20km/h. Đi suốt quãng đường mới thấy, tốc độ đạt được như vậy đã là một sự cố gắng, bởi con đường này không chỉ có những khúc cua liên tục mà còn đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn giữa dốc cua, lớp nhựa mặt đường bị bong tróc gần hết, để lộ ra lớp cốt nền toàn sỏi và đá dăm. Do tuyến đường này chỉ đạt tiêu chuẩn cấp 6 với nhiều tiêu chí còn châm chước, nên lớp áo đường rất mỏng, dù được thảm lại liên tục nhưng chỉ sau vài trận mưa lại bị cuốn trôi, sụt trượt taluy nền đường.

Ngồi quán nước ở trung tâm xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì), ông Hoàng Xuân Phong đã ở đây mấy chục năm tâm sự, đường sá khó khăn nên đời sống của bà con vất vả vô cùng. Người dân ở đây chủ yếu trồng chè, đậu tương, sản lượng làm ra cũng nhiều, nhưng do đường đi khó, cước vận tải rất cao, hàng hoá đưa ra ngoài cũng không thể cạnh tranh được. “Mới hôm qua lại xảy ra vụ tai nạn ở dốc Tân Lập. Anh thanh niên đi xe máy vào cua đâm thẳng vào đầu ô tô. Thấy bảo xương đùi bị vỡ văng ra đường. Mọi người phải đưa ra ngoài Tân Quang cấp cứu. Đường sá khó khăn thế không biết có kịp cứu sống hay không nữa. Mấy năm trước có chiếc xe khách, khi vào cua bỗng rơi xuống vực khiến nhiều người chết và thương vong”- ông Phong ngậm ngùi kể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Thắng, Q.Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Hoàng Su Phì cho biết: ĐT 177 qua huyện Hoàng Su Phì có địa chất rất phức tạp, đất, đá rời rạc. Đặc biệt, tuyến đường có số lượng đường cong cua rất lớn, chỉ 60km từ Tân Quang vào Hoàng Su Phì nhưng có đến gần 1 nghìn điểm cua. Có những đoạn một km hội tụ trên 30 đường cong bán kính tối thiểu nên việc đi lai rất khó khăn. Cứ vào ngày mưa, chúng tôi phải túc trực 100%, sẵn sàng tinh thần đi cứu đường vì liên tục có các đoạn bị sạt lở. Vì vậy, yêu cầu cải tạo, nâng cấp rất cấp bách.

Tuyến đường chiến lược cần nâng cấp

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện các dự án giao thông quan trọng có tác động liên vùng, trong đó có tuyến ĐT 177  với tổng mức đầu tư lên tới gần 1,5 nghìn tỷ đồng.

Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cấp tuyến ĐT 177, bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, đây là tuyến đường quan trọng nối 3 huyện Bắc Quang - Hoàng Su Phì - Xín Mần. Đầu tuyến nối với Quốc lộ 2, giữa tuyến nối với Quốc lộ 4 và đi sang huyện Bắc Hà (Lào Cai). Về AN-QP, trên tuyến biên giới có Cửa khẩu Mốc 5 (Xín Mần) và một số cửa tiểu ngạch giao thương giữa nhân dân vùng biên với Trung Quốc. Tại đây, chúng ta đã xây dựng hàng trăm km đường tuần tra, nối giữa các mốc biên giới với nhau. Để phát huy khả năng cơ động của những tuyến đường quân sự trên, tuyến ĐT 177 phải xây dựng để trở thành con đường huyết mạch.

Khi tuyến đường được đầu tư, nâng cấp, giao thông nơi đây sẽ thông thoát, thuận tiện, không chỉ trong 3 huyện, mà còn trong khu vực và cả nước. Mảnh đất miền Tây Hà Giang hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo, tuyến đường được nâng cấp sẽ mang lại sự giao lưu văn hóa, các lễ hội, phong tục, tập quán của cá dân tộc đến gần nhau hơn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín... làm tăng sự đoàn kết giữa các dân tộc với nhau. Khi tuyến đường được đầu tư, chắc chắn mang lại rất nhiều lợi ích, về tất cả các mặt, nhưng trên hết là lợi ích về AN-QP- bà Hạnh cho biết.

Thực tế nhìn trên bản đồ cũng có thể thấy, ĐT 177 nằm trải dài trên 2  huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Sự cách biệt về địa lý, khó khăn về hạ tầng giao thông đã làm cho cộng đồng dân cư ở đây chưa hội nhập sâu, rộng với các khu vực xung quanh. Vì thế, việc nâng cấp tuyến ĐT 177 sẽ tạo điều kiện tiếp cận với các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn thuộc diện 30A của Hoàng Su Phì và Xín Mần, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và vùng xuôi.

Ngoài các tiềm năng thương mại, Hoàng Su Phì và Xín Mần còn là những địa danh có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch như ruộng bậc thang, bãi đá cổ... với 3 di sản quốc gia và nhiều danh lam thắng cảnh. Vì thế tuyến ĐT 177 khi được nâng cấp sẽ góp phần kết nối mạng lưới du lịch giữa Lào Cai với các huyện vùng cao của Hà Giang, Cao Bằng và tạo nên động lực phát triển các hoạt động du lịch của vùng.


Tin khác

Liên kết website