Văn hóa - Xã hội

Du lịch cộng đồng - hướng đi mới ở huyện Hoàng Su Phì

22/08/2017 00:00 291 lượt xem

Những năm gần đây, ngành du lịch Hà Giang đang có những bước phát triển vượt bậc, ngoài những điểm du lịch ở các huyện phía bắc của tỉnh hàng năm thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch thì các huyện phía tây cũng dần khẳng định được tiềm năng và nhiều loại hình du lịch khác nhau ra đời như: du lịch khám phá, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm,…. Với thế mạnh về cảnh sắc thiên nhiên, về sự độc đáo trong phong tục tập quán cùng với sự thân thiện, hiền hòa, mến khách của đồng bào các dân tộc, thì phát triển văn hóa du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân Hoàng Su Phì.

Nằm ở phía tây của tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn có những cảnh đẹp kỳ thú được thiên nhiên ban tặng, có những thửa ruộng bậc thang với vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc, thể hiện sức sống mãnh liệt của con người, cải tạo, thuần hóa thiên nhiên, tạo nên những thửa ruộng vàng óng, uốn lượn trên các xườn núi.

 

Danh lam thắng canh ruộng bậc thang xã Bản Luốc.

 

Hoàng Su Phì có 12 dân tộc anh em như: Nùng, Dao, Mông, La chí…. cùng sinh sống, với phong cảnh núi rừng vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, ở nhiều nơi, vẫn còn giữ được nét truyền thống và nguyên sơ, các món ăn đậm đà bản sắc và con người mộc mạc, chân thành chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng. Ông Lù Văn Chung – Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, để phát huy hết tiềm năng, lợi thể của huyện trong lĩnh vực du lịch, huyện đã phối hợp với tổ chức Havetas xây dựng kế hoạch phát triển du lịch huyện Hoàng Su phì dai đoàn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030, theo đó huyện sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm.

 

Là một trong những nơi được chọn để làm điểm du lịch cộng đồng, người dân thôn Suối Thầu xã Bản Luốc xác định mỗi vị khách đến thôn tham quan cũng chính là một khách hàng tiềm năng, bởi vậy mọi người đến sẽ được chào đón bằng nụ cười thân thiện và thoải mái trải nghiệm cuộc sống, công việc hàng ngày của người dân nơi đây, thu hẹp khoảng cách giữa khách du lịch và người dân, “cùng lao động, cùng hưởng thụ” đó là những gì mà du lịch cộng đồng ở Suối Thầu hướng đến trong những năm qua. Những người khách du lịch ưa khám phá đã từng đi qua nhiều vùng miền trên giải đất hình chữ S. Trên chiếc xe đạp địa hình, bằng chính sức lực của mình, du khách tự mình băng qua những cung đường đầy rẫy thử thách, xuyên qua các cánh rừng nguyên sinh, rồi băng qua những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh núi cao đến tận khe suối. Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công thương, trong một lần lên thăm huyện Hoàng Su Phì đúng vào mùa lúa vàng đã không dấu được cảm xúc của mình, Ông cho rằng Hoàng Su Phì vẫn còn lưu giữ được những truyền thống văn hóa dân gian đặc sắc, hòa quyện với núi rừng hùng vĩ mà nên thơ, nhưng thửa ruộng bậc thang đẹp không tả nổi….

 

Không những ban ngày, khi mặt trời ngủ yên sau những dãy núi, buổi tối trong những căn nhà sàn, du khách được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, Nùng, Mông… như sôi ngũ sắc, thắng cố, thịt treo,…. là những món ăn với cách làm truyền thống đã được người dân lưu truyền hàng trăm năm nay qua các thế hệ có những hương vị đặc trưng của một vùng núi rừng yên bình mà nên thơ. Nhiều khách du lịch đặc biệt là khách nước ngoài tỏ ra rất hứng thú với những món ăn đặc biệt này.

 

Thưởng thức các điệu múa dân gian, các trích đoạn lễ hội, những món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì. Đó là Lễ Cúng thần rừng của người Nùng, Tết Khu cù tê của người La Chí, lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, những trò chơi dân gian đặc sắc như leo cột mỡ, vật chày, múa lửa… tất cả đã mang lại cho các vị khách một cảm giác khó tả. Là huyện miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, xong với việc phát huy lợi thế sẵn có, 5 năm gần đây Hoàng Su Phì trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế với số lượng hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm, mở ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với xu thế hiện nay và phát huy được thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương.

 

Có thể nói du lịch sinh thái cộng đồng vừa là thế mạnh, vừa là hướng đi đúng đắn phù hợp để Hoàng Su Phì phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chưa cao, nhưng đã mở ra hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới ở vùng cao. Người dân đã trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị truyền thống vật chất và văn hóa truyền thống.  

 

Để trở thành điểm du lịch hấp dẫn, trong chuyến hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước, Hoàng Su Phì cần đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, có những sản phẩm du lịch độc đáo, bên cạnh đó cần xây dựng các điểm du lịch lịch sử, danh lam, thắng cảnh có tính kết nối, để hình thành các tua du lịch khép kín, hấp dẫn, trên hành trình du lịch sinh thái cộng đồng.

 

Phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới, đầy tiềm năng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân bản địa, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Ngoài giá trị về mặt kinh tế, hoạt động du lịch cộng đồng còn giúp người dân hiểu và trân trọng hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đầy lôi cuốn, góp phần quảng bá hình ảnh của những vùng non nước, với những nét văn hóa đặc sắc đến với bạn bè khắp bốn phương.

 

 

Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang xã Bản Phùng.


Tin khác

Liên kết website