Văn hóa - Xã hội

Để nụ cười luôn rạng rỡ gương mặt những "Thiên thần nhỏ"

01/06/2017 00:00 254 lượt xem

Với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em“, Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 diễn ra từ ngày 1.6 đến 30.6 nhằm mục đích thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em được sống và phát triển toàn diện.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 272.260 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi (chiếm 33,2% dân số toàn tỉnh). Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quan tâm; thực hiện kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh duy trì hoạt động quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục chuyên biệt cho 28 trẻ khuyết tật; phối hợp với các đơn vị, Trung tâm II (Hà Lan) và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức chương trình khám sàng lọc cho 449 trẻ khuyết tật; Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố vận động được số tiền 7 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho trên 5 ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

 

Năm 2016, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin đạt 96%; tỷ lệ huy động trẻ em từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98,3%; triển khai thực hiện cấp 115.442 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho trẻ em được quan tâm, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và rèn luyện kỹ năng sống. Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức mở các lớp năng khiếu hè: Nhạc, hoạ, bóng bàn, khiêu vũ, võ thuật, cầu lông, cờ vua, vi tính, tiếng Anh, kỹ năng sống... cho trên 300 trẻ tham gia học tập. Vào ngày Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, 195 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều tổ chức hoạt động vui Tết cho trẻ em, các em được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rước đèn, phá cỗ... tạo không khí vui vẻ, đầm ấm, khuyến khích các em tu dưỡng, rèn luyện bản thân, đạt nhiều thành tích tốt trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Cô Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (T.P Hà Giang) chia sẻ: “Trường Mầm non Hoa Hồng là một trong những ngôi trường trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa vừa bám sát chủ đề năm học vừa góp phần nâng cao thể chất và giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh. Ở đây, chúng tôi đề cao sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong BVCS&GDTE. Đối với trẻ em, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng’’.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trao đổi với phóng viên, bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh trăn trở: “Mặc dù các cấp, các ngành đã nỗ lực trong công tác BVCS&GDTE, tuy nhiên, chỉ số xếp hạng thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh đang đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó một số mức độ đánh giá đạt điểm rất thấp. UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về triển khai nâng cao chỉ số xếp hạng thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Hy vọng các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, khắc phục khó khăn, nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong công tác BVCS&GDTE, để trẻ em có môi trường vui chơi, học tập và phát triển toàn diện”.

 

Là một tỉnh biên giới, điều kiện sống của người dân còn vô cùng khó khăn, đây đó vẫn còn tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bắt cóc, bỏ học, vi phạm pháp luật. Kể từ ngày 1.6.2017, Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 11 bắt đầu có hiệu lực; mọi tầng lớp nhân dân cần nghiêm chỉnh chấp hành, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em. Pháp luật nghiêm trị các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Hãy chung tay để nụ cười luôn rạng rỡ trên những gương mặt thiên thần nhỏ.


Tin khác

Liên kết website