Văn hóa - Du lịch

Di sản văn hóa quốc gia Ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì

25/07/2014 00:00 771 lượt xem

Tháng 11/2011, Bộ văn hóa thể thao & DL đã ra quyết định công nhận di sản văn hóa quốc gia đối với các khu ruộng bậc thang tại 06 xã gồm: Bản Luốc, Bản Phùng, Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Sán Xả Hồ, trong đó khu vực có cảnh quan đẹp nhất của huyện nằm vào địa phận các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ và Bản Phùng với tổng diện tích ruộng lúa trong khu vực khoanh vùng bảo vệ là 764,8 ha.

Ruộng bậc thang là loại hình canh tác chủ yếu của người dân nông thôn của huyện Hoàng Su Phì. Theo thống kê, năm 2013 toàn huyện có 3.757ha ruộng bậc thang lúa nước chủ yếu là ruộng một vụ tại 25 xã, thị trấn. Do kết cấu thổ nhưỡng và địa hình chia cắt mạnh nên ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì có nhiều đặc trưng riêng rẽ, trải dài xung quanh sườn núi xen kẽ giữa những dòng sông khe suối đầu nguồn sông Chảy, sông Bạc và những cánh rừng nguyên sinh tạo thành nhiều tầng bậc. Đặc biệt những thửa ruộng bậc thang tại các xã Bản Luốc, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ do sườn núi có dốc lớn nên những thửa ruộng thường hẹp, bờ ruộng tương đối cao và kéo dài từ bở suối lên đến lưng chừng núi. Điều đó tạo nên cảnh quan hùng vĩ cũng như thể hiện ý chí nghị lực và khả năng cải tạo thiên nhiên của cộng người ở đây, song do có độ dốc lớn nên ruộng bậc thang của huyện thường xuyên xảy ra sạt lở nhất là vào mùa mưa. Do điều kiện canh tác nên cộng đồng các dân tộc ở đây thường làm nhà sinh sống ngay trên những thửa ruộng bậc thang, điều đó đã tạo sự hòa đồng giữa con người và thiên nhiên.
(Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì)

Tháng 11/2011, Bộ văn hóa thể thao & DL đã ra quyết định công nhận di sản văn hóa quốc gia đối với các khu ruộng bậc thang tại 06 xã gồm: Bản Luốc, Bản Phùng, Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Sán Xả Hồ, trong đó khu vực có cảnh quan đẹp nhất của huyện nằm vào địa phận các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ và Bản Phùng với tổng diện tích ruộng lúa trong khu vực khoanh vùng bảo vệ là 764,8 ha. Trong đó:

Bản Luốc: 117,8 ha
Sán Sả Hồ: 159,0 ha
Thông Nguyên 66,4 ha
Nậm Ty: 143,7 ha
Hồ Thầu: 137,7 ha
Bản Phùng: 140,2 ha

Đây là nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và là nguồn sống chính của 766 hộ gia đình với 6.024 nhân khẩu thuộc các dân tộc Nùng, Dao, Mông, La Chí. Ngoài 6 xã đã được Bộ văn hóa thể thao & DL ra quyết định công nhận di tích Quốc gia, hầu hết các xã thị trấn trong toàn huyện đều có ruộng bậc thang và mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng cùng với nhiều vốn văn hóa mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước và canh tác nương dẫy.

Ruộc bậc thang xã Tả  Sử Choóng mùa lúa chín
Hình thức canh tác trên ruộng bậc thang xuất hiện ở Hoàng Su Phì vào khoảng trên dưới 100 năm. Do việc gieo cấy lúa chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên việc chọn nơi làm ruộng được đồng bào tiến hành một cách cẩn thận. Khu vực đáp ứng đủ yêu cầu phải là nơi đất đai tơi xốp, màu mỡ, không có đá to, có khả năng tạo được mặt bằng ruộng có độ rộng, dài. Điều quan trọng nhất khi lựa chọn vùng đất để khai phá là trong khu vực hoặc gần đó phải có nguồn nước, phải là nơi có thể đưa nước về ruộng được dễ dàng và không mất nhiều công sức. Việc khai phá ruộng thường được tiến hành trong tháng 1 và tháng 2 âm lịch. Công cụ để khai phá ruộng hết sức đơn giản chỉ có cuốc, cuốc chim, bừa gỗ và con dao. Quy trình khai phá ruộng được bắt đầu từ nơi cao nhất xuống thấp. Trước tiên, người ta dùng dao phát cỏ và các loại cây nhỏ rồi dọn sạch quang mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh bật các gốc cây to, vần đá ra khỏi khu vực làm ruộng. Để san ruộng, trước hết phải cuốc đất, xẻ núi tạo mặt bằng, khi đã có mặt bằng nếu gặp đá to không lăn đi được họ dùng cuốc đào một hố lớn, sâu ngay cạnh viên đá rồi hợp sức vần viên đá xuống, sau đó lấp đất lên. Việc chôn đá này phải đảm bảo đủ độ sâu, sao cho khi cày lưỡi cày ko thể chạm đến. Khi đã có mặt bằng họ dùng một tấm ván gỗ dài khoảng 60 cm, có cán cầm phía sau, hai đầu buộc dây cho hai người đi trước hoặc trâu kéo, người đi sau điều chỉnh để san đất sao cho phẳng đều mặt ruộng. Tùy vào địa hình và độ dốc của quả đồi mà độ cao và độ rộng của ruộng bậc thang được tạo ra cũng khác nhau. Khi đã có mặt bằng họ tiến hành đắp bờ rồi đưa nước vào ngâm chân ruộng. Trong quá trình khai phá tạo mặt bằng ruộng, tới vị trí dự định làm bờ đồng bào sẽ để lại một dải đất rộng chừng 20 cm làm thành bờ ruộng, mặt ruộng sẽ san thấp xuống. Sau khi khai phá ruộng xong đồng bào đưa nước vào ngâm chân ruộng, bờ ruộng chỉ được chỉnh sửa qua để giữ nước. Khi đất đã được cày ải và cho nước vào ruộng ngâm, các gia đình sẽ chia nhau ra đi đắp bờ ruộng và tu chỉnh lại những đoạn bờ đã hư hỏng từ năm trước. Bờ ruộng của đồng bào ở đây thường nhỏ, chỉ rộng vừa một bàn chân, cao khoảng 15 cm. Khi đắp bờ bà con lấy cuốc cào sạch cỏ sau đó lấy đất ngay trong ruộng đắp lên rồi dùng mặt sau của lưỡi cuốc vuốt cho tròn, ở thành ruộng thì dùng xẻng cán dài đứng ở mép bờ bên trên nạo sạch cỏ, riêng đoạn thành bờ cao hơn mặt ruộng thì không làm sạch cỏ mà chỉ phát qua cho sạch, mục đích để hàng cỏ đó giữ cho bờ có sự liên kết chắc chắn và không bị vỡ khi có mưa lớn, nước chảy mạnh. Khi hoàn thành công việc làm bờ cũng là lúc đồng bào chuẩn bị cho một vụ cấy mới. Ruộng sẽ được đưa nước vào cho đủ rồi cày, bừa lại lần cuối và bón lót phân chuồng sau đó mới tiến hành cấy lúa. Những vụ cấy sau, để giữ được nước đồng bào thường làm đất và cấy lúa từ ruộng cao xuống ruộng thấp hoặc cùng một thửa ruộng nhưng cày bừa phía nguồn nước trước bởi như vậy sẽ tạo một lớp bùn chống thấm và dành được nước cho những thửa ruộng phía dưới.

Trước đây, đồng bào ở đây chủ yếu cấy giống lúa thuần và ít chăm sóc nhưng những năm gần đây họ đã đầu tư cấy các loại giống lúa lai và thực hiện các công đoạn làm cỏ, bón phân nên năng suất đã được cải thiện. Theo thống kê, năm 2013 năng suất bình quân đạt 57,1 tạ/ha, sản lượng đạt 21.530 tấn, ngoài ra, đồng bào còn tận dụng các thửa ruộng giữa các vụ cấy để trồng đậu tương, rau xanh và các lọa cây hoa màu khác để phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong quá trình canh tác trên những thửa ruộng bậc thang cũng đã hình thành những nét văn hóa độc đáo và riêng biệt của cộng đồng các dân tộc bản địa sinh sống trên huyện Hoàng Su Phì, mà biểu hiện là các tín ngưỡng và lễ thức như: Lễ cúng hồn lúa, lễ mừng cơm mới, lễ hội lồng tồng của dân tộc Dao, Tày - Nùng và các trò chơi dân gian như: trò vật chày, kéo co, ném còn của dân tộc Dao, Tày, trò liếm lưỡi cày nung đỏ của dân tộc Cờ Lao…Vì vậy ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì không những có giá trị đặc sắc về cảnh quan mà hơn thế nó còn mang giá trị minh chứng cho lịch sử tồn tại và phát triển của cộng đồng người tại đây.
 

Tin khác

Liên kết website