Văn hóa - Du lịch

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Khu cù tê của dân tộc La Chí xã Bản Phùng, Bản Máy

20/05/2015 00:00 285 lượt xem

Tết Khu cù tê là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp của dân tộc La Chí thuộc các xã Bản Phùng, Bản Máy huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang được tổ chức trong thời gian từ 1 đến tháng 7 âm lịch hàng năm.
Tết Khu cù tê gọi theo tiếng La Chí bản địa tức là "Tết uống rượu", đây là ngày tết qua trọng nhất trong một năm của người La Chí thuộc địa bàn các xã Bản Phùng, Bản Máy của huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu, Nàn Xỉn huyện Xín Mần. Lễ hội Tết Khu Cù Tê có lịch sử lâu đời, thể hiện những yếu tố văn hóa thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng nguyên thủy, niềm tin vào thế giới thần linh với những biểu hiện đặc trưng của nền văn hoá sản xuất nông nghiệp. Đối với cộng đồng người La Chí, Lễ hội Tết Khu Cù Tê là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau. Đến ngày tết dù ở xa cũng quay trở về cùng gia đình dòng tộc của mình để cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no gia đình hạnh phúc chính vì vậy đối với người La Chí trong hàng năm không thể thiếu Lễ hội này.

Trước khi tổ chức tết, thầy cúng sẽ chọn ngày và giờ đẹp cho dân làng tập trung tại nhà thờ của trưởng tộc để cúng tổ tiên dòng họ của người La Chí. Trong buổi lễ này, dân làng mổ trâu hoặc mổ lợn, gà và làm rượu hoẵng là loại rượu có vị ngọt, hơi chua làm bằng gạo nếp nấu thành cơm để nguội, sau đó trộn men lá cây rồi ủ trong chum sành khoảng 3 tháng cho lên lên men làm đồ tế lễ. Trong khi tổ chức tế lễ, thầy cúng sẽ đánh trống thiêng là chiếc trống được làm từ một khúc gỗ khoét rỗng có đường kính khoảng 40cm, hai đầu bọc bằng da trâu, sau đó tổ chức hát giao duyên và uống rượu cả ngày và thâu đêm đến sáng.

Ngày hôm sau, mọi người về nhà mình làm thủ tục gọi tổ tiên, mời những người đã mất về ăn tết tháng 7 với gia đình, lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng gồm có thịt gà, thịt lợn và nhất định phải có thịt chuột nấu chín bởi quan niệm của người La Chí cho rằng con chuột là con vật thông minh, biết tự tìm thức ăn, ở đâu có thức ăn thì ở đó có chuột. Các đồ lễ được bày lên mảnh lá chuối trên chiếc bàn ăn cơm hàng ngày. Khi cúng, người La Chí không dùng hương mà chỉ dùng một đoạn dây chỉ dài khoảng 20cm một đầu buộc vào củ gừng, đầu kia giữ vào ngón tay cho lắc lư trước mặt như chiếc dây dọi bởi họ quan niệm nếu củ gừng đung đưa theo một hướng nằm ngang tức là tổ tiên đã nhận lễ vật, trong khi cúng, thầy cúng có thể vừa cúng vừa bốc ăn lễ vật, điều đó thể hiện quan niệm bình đẳng giữa thầy cúng và thế giới thần linh.

Trong dịp tết ku cù tê, người La Chí chủ yếu uống rượu hoẵng, khi uống người ta đổ nước lạnh vào rồi chắt lấy rượu có màu trắng đục ra để uống. Về cách thức uống, nam giới dùng sừng trâu thay chén còn phụ nữ uống bằng bát. Dịp này các gia đình đến nhà nhau ăn tết uống rượu, vui chơi đến khi hết tết mới thôi.

Tết Khu cù tê là một sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của người La Chí, được Bộ văn hóa thể thao & du lịch đã được đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ - BVHTTDL ngày 25/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
 

Tin khác

Liên kết website