Tài nguyên thiên nhiên

Sông Chảy - Tiềm năng kinh tế và du lịch

18/05/2015 00:00 1018 lượt xem

Sông Chảy là một con sông có khởi nguồn từ các nhánh suối thuộc sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi trên khối núi Tây Côn Lĩnh phía tây bắc tỉnh Hà Giang nằm trên địa phận huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên tỉnh Hà Giang
1. Khởi nguồn.

Sông Chảy là một con sông có khởi nguồn từ các nhánh suối thuộc sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi trên khối núi Tây Côn Lĩnh phía tây bắc tỉnh Hà Giang nằm trên địa phận huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên tỉnh Hà Giang. ở khu vực thượng nguồn, Sông Chảy được hình thành từ các nhánh suối sau:

+ Các nhánh suối khu vực núi Chiêu Lầu Thi.

Nhánh suối chính của khu vực núi Chiêu Lầu Thi được bắt nguồn từ các khe suối sườn đông bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi thuộc địa bàn các thôn Chiến Thắng, Tân Thành và dãy Sang Suối thuộc thôn Quang Vinh, Tân Minh, Tân Phong và Hố Sán xã Hồ Thầu, qua gần 16km đến địa phận xã Nam Sơn thì được nhánh suối suối Nậm Ai hợp lưu. Đoạn này, sông chảy theo hướng tây - đông.

Nhánh suối Nậm Dịch được bắt nguồn từ thôn Nậm Dịch xã Bản Péo hợp lưu tại km 44 tỉnh lộ 177. Đoạn này dòng sông chuyển sang hướng nam - bắc đến thị trấn Vinh Quang huyện Hoàng Su Phì.

+ Các nhánh suối sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh.

 - Các nhánh suối được hình thành từ các khe suối đầu nguồn thuộc các xã: Túng Sán, Tân Tiến, Bản Nhùng, Tả Sử Choóng, Ngàm Đăng Vài hợp lưu thành suối Na Nhung vào sông Chảy tại km 55 + 300 tỉnh lộ 177.

- Các nhánh suối thuộc các xã Đản Ván, Thèn Chu Phìn, Pố Lồ hợp lưu thành suối Bản Qua, chảy vào sông Chảy tại km 57 + 700 tỉnh lộ 177.

- Các nhánh suối thuộc các xã Bản Máy, Thàng Tín và các nhánh suối thuộc huyện Mã Quan tỉnh Vân Nam Trung Quốc hợp lưu thành Suối Đỏ chảy vào sông Chảy tại km 76 + 300 700 tỉnh lộ 177.

2. Dòng chảy.

Sau khi hợp nhất các dòng chảy từ các nhánh suối thuộc sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi, từ thị trấn Vinh Quang huyện Hoàng Su Phì, lòng sông được mở rộng và lưu lượng nước lớn dần. Từ đây, sông chảy theo hướng đông - tây, qua huyện Xín Mần, tại đoạn này, Sông chảy được ngăn lại bởi đập thủy điện Sông Chảy 5 tại Km 86 tỉnh lộ 177, sau đó sông tiếp tục chảy qua địa phận huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang và được tăng cường lưu lượng nước của con suối Nấm Dẩn bắt nguồn từ khu vực Thác Tiên - Đèo gió và chảy qua địa phận huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai. Trên đoạn này, khoảng 5 km của sông Chảy là biên giới Việt - Trung giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ chỗ giáp ranh hai xã Tả Gia Khâu và Thào Chư Phìn của huyện Si Ma Cai, sông chảy theo hướng bắc - nam tới địa phận hai xã Cốc Ly và Nậm Mòn thuộc huyện Bắc Hà. Sau đó, sông chảy theo hướng tây bắc-đông nam qua địa phận xã Việt Tiến (huyện Bảo Yên) sông tiếp tục chảy vào địa phận các xã Minh Chuẩn, An Lạc và Tô Mậu của huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Trên đoạn sông này, Sông Chảy được ngăn lại bởi Đập thủy điện Thác Bà nên lòng sông mở rộng ra và nâng cao thành lòng hồ với chiều dài hơn 50 km. Sau khi chảy qua thị trấn Thác Bà và các xã Hán Đà, Đại Minh của huyện này thì nó chảy vào xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ để sau đó hợp lưu với sông Lô tại ranh giới giữa thị trấn Đoan Hùng và hai xã Chí Đám, Hữu Đô thuộc huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ.

3. Đặc điểm.

Do đặc điểm cấu tạo địa chất khu vực dãy Tây Côn Lĩnh địa hình đồi núi có độ dốc lớn và chia cắt mạnh, đất đai chủ yếu là đất pha cát nên lòng sông có độ dốc lớn, nhiều thác và ghềnh đá, nhất là đoạn dòng chảy từ xã Hồ Thầu đến thị trấn Cốc Pài huyện Xín Mần. Tại khu vực này nước sông thường chảy xiết nhất là vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân sống trên địa bàn hai bờ sông. Điển hình là trận lũ quét xảy ra vào ngày 17 tháng 6 năm 2009 trên địa bàn thị trấn Vinh Quang và trận lũ ngày 04 tháng 7 năm 2013 tại các xã Bản Máy, Thàng Tín làm hàng chục ha lúa, hoa màu bị phá hủy, làm sập 02 ngôi nhà và 01 cây cầu bê tông tuyến đường Vinh Quang - Bản Máy gây ách tắc cục bộ nhiều ngày.

Nhánh Suối đỏ được bắt nguồn từ khu vực huyện Mã Quan tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, từ nhiều năm trước đến nay được phía Trung Quốc sử dụng nguồn nước để tuyển quặng tại mỏ đồng Đô Long nên nguồn nước Suối Đỏ luôn đục và có màu đỏ do bị ô nhiễm. Đây cũng là lý do dẫn tới tên gọi của Suối Đỏ.

4. Tài nguyên và nguồn lợi.

Nằm trên toàn bộ khu vực thượng nguồn Sông Chảy là vùng đất canh tác nông nghiệp của cư dân các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang bao gồm các thửa ruộng bậc thang màu mỡ, nương vườn trồng hoa màu. Quá trình canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên đây là nguồn tưới tiêu hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người dân ở đây. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp năng lượng sạch quan trọng cho cư dân để làm cối nước giã gạo, chạy máy phát điện mini công suất từ 1 - 5kw. Đây cũng là nguồn cung cấp nước ngầm sạch tự chảy dùng trong sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực này.

Do đặc điểm lòng sông nhiều thác ghềnh, nguồn nước sạch, khí hậu mát mẻ nên Sông Chảy là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: Dầm xanh, cá chiên, cá lăng, cá bỗng... Những năm gần đây, một số tư thương người bản địa đã đưa vào nuôi trồng thử nghiệm giống cá tầm và cá hồi nhập từ Bắc Âu tại các dòng suối đầu nguồn Sông Chảy thuộc các xã Tả Sử Choóng, Thèn Chu Phìn và Nậm Ty huyện Hoàng Su Phì, kết quả cho thấy loài cá này rất phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường sống tại nơi này bởi chúng phát triển nhanh, chất lượng thơm ngon. Ngoài ra, với nguồn nước rồi dào, độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh nên Sông Chảy là nguồn tiềm năng lớn để xây dựng các công trình thủy điện. Đặc biệt, tại khu vực
thượng nguồn lòng sông có độ dốc lớn và hiểm trở, lưu lượng nước dâng cao về mùa mưa trong khi tuyến tỉnh lộ 177 đoạn từ xã Nậm Dịch đến huyện lỵ Xín Mần luôn nằm sát bờ phía bắc rất thuận tiện cho việc cứu hộ và quan sát nên đây là điều kiện lý tưởng cho các tay đua thuyền mạo hiểm khám phá khu vực thượng nguồn Sông Chảy.

Tin khác

Liên kết website