Điều kiện tự nhiên

Thị trấn Vinh Quang Huyện Hoàng Su Phì

20/05/2015 00:00 1505 lượt xem

Thị trấn Vinh Quang là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của huyện Hoàng Su Phì, là nơi đặt trụ sở của Huyện ủy, HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc huyện.
1. Vị trí địa lý:
Thị trấn Vinh Quang thuộc huyện Hoàng Su Phì, nằm trên trục đường tỉnh lộ 177 Bắc Quang - Xín Mần, đoạn từ km 57 + 700 - km 61 + 200, là trung tâm hành chính của huyện Hoàng Su Phì.

- Về địa giới: Phía bắc giáp thôn Thu Mưng xã Pố Lồ, thôn Thinh Nà xã Đản Ván, phía đông giáp thôn Thinh Nà xã Đản Ván, thôn Bản Qua xã Tân Tiến, phía  nam giáp thôn Cán Chỉ Rền xã Tụ Nhân, phía tây giáp thôn Bản Cậy xã Tụ Nhân. Trụ sở Thị trấn đóng tại tổ dân phố 2.

 Thị trấn Vinh Quang được chia thành 02 thôn bản và 06 tổ dân phố gồm: Thôn Pố Lũng, thôn Quang Tiến, tổ dân phố 1, tổ dân phố 2, tổ dân phố 3, tổ dân phố 4, tổ dân phố 5 và tổ dân phố 6.

2. Lịch sử hình thành và phát triển.
Trước năm 1945, thị trấn Vinh Quang thuộc tổng xã Tụ Nhân của huyện Hoàng Su Phì, đến năm 1962, xã Tụ Nhân được tách ra thành các xã: Tụ Nhân, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn, Chiến Phố và Vinh Quang. Năm 1965, thôn Pố Lũng được tách từ xã Pố Lồ để sáp nhập vào xã Vinh Quang. Tháng 7/1997, xã Vinh Quang được công nhận là thị trấn Vinh Quang với 02 thôn và 04 tổ dân phố. Đến năm 2009, 02 tổ dân phố mới được thành lập trên cơ sở tách tổ dân phố 4 thành tổ 4 và 6; tách tổ dân phố 3 thành tổ 3 và 5. Đến nay, thị trấn Vinh Quang bao gồm 02 thôn và 06 tổ dân phố.

Trước năm 1945, xã Vinh Quang là trung tâm hành chính của Hoàng Su Phì, đồng thời là nơi buôn bán giao thương các mặt hàng nông sản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Dân cư khi đó sinh sống thưa thớt, chủ yếu là người Hoa và một số người Kinh từ miền xuôi lên làm ăn buôn bán. Sau năm 1945, ta giành được chính quyền, xã Vinh Quang là nơi đặt trụ sở của ủy ban hành chính huyện Hoàng Su Phì. Đến tháng 2 năm 1985 do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh biên giới, huyện lỵ được sơ tán vào xã Nam Sơn, đến năm 1989 tình hình biên giới ổn định nên trụ sở huyện lỵ lại được chuyển về xã Vinh Quang, đồng thời, các trụ sở của các cơ quan đảng, chính quyền và các cơ quan trực thuộc huyện, trường học, bệnh viện, đường xá dần được đầu tư xây dựng khang trang, hoạt động buôn bán giao thương được đẩy mạnh đã thu hút một lượng lớn người dân từ khắp các vùng miền đến làm ăn sinh sống, góp phần tạo nên bộ mặt mới khang trang sầm uất cho huyện lỵ Hoàng Su Phì như ngày nay.

3. Điều kiện tự nhiên
Do nằm trên địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dòng suối thượng nguồn Sông Chảy, độ dốc lớn, thường hay sảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở về mùa mưa nên thị trấn Vinh Quang gặp nhiều khó khăn bất lợi trong việc xây dựng phát triển Kinh tế, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Khí hậu chia thành 2 mùa dõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.     
                      
 Tổng diện tích tự nhiên: 481,33 ha. Trong đó: Đất thổ cư: 22,23 ha, đất nông nghiệp:  83,41 ha; đất lâm nghiệp: 271,97 ha, còn lại là đất khác.

Nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất: Hiện nay, tại các tổ dân phố người dân đã được sử dụng nguồn nước sinh hoạt do nhà máy nước sạch đạt tiêu chuẩn do Tây Ban Nha tài trợ xây dựng có công suất 1.000m3/ngày cung cấp, còn 02 thôn bản Quang Tiến và Pố Lũng nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất chủ yếu dùng nước từ các khe suối và nước mưa. Trên địa bàn thị trấn Vinh Quang có 02 khe suối nhỏ bắt nguồn từ xã Pố Lồ cắt ngang khu vực huyện lỵ sau đó hòa vào dòng Sông Chảy ở địa phận cuối Thị trấn đoạn giáp danh với thôn Cán Chỉ Rền xã Tụ Nhân. Đoạn Sông Chảy chảy qua địa phận Thị trấn dài 1,3km từ tổ dân phố 5 đến phía tây Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Toàn bộ khu vực phía đông của Thị trấn nằm ngay sau trụ sở UBND huyện kéo dài đến hết địa phận tổ dân phố 5 là những dải rừng thông khoảng 35 - 40 năm tuổi.

4. Dân Cư.
Những dân tộc  sinh sống lâu đời tại Thị trấn Vinh Quang bao gồm: Hoa Hán, Nùng, Tày, ngoài ra còn có các dân tộc mới di cư đến: Dân tộc Kinh, Cao Lan chủ yếu từ các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ di cư đến, dân tộc La Chí, Mông, Dao từ các xã lân cận trong huyện, dân tộc Mường từ tỉnh Hòa Bình di cư đến. Số này chủ yếu là cán bộ đến công tác và nghỉ hưu nay ở lại sinh sống, một số hộ đến làm ăn buôn bán tại thị trấn.

Dân số đến ngày 31/12/2014 của toàn thị trấn có 917 hộ, 3.847 nhân khẩu, trong đó: Nùng: 837 người; Dao: 111 người; Tày: 827 người; Mông: 131 người; La Chí: 130 người; Kinh: 1.544 người;  Hoa Hán: 173 người; Mường: 27 người; Phù Lá: 5 người, Cao Lan: 24 người, còn lại là các dân tộc khác.

5. Kinh tế
Là địa bàn thuộc trung tâm huyện lỵ, là nơi diễn ra các hoạt động giao thương buôn bán chính của huyện nên đời sống kinh tế của nhân dân thị trấn Vinh Quang tương đối phát triển. Theo thống kê, năm 2014 toàn thị trấn có 224 hộ giàu, chiếm 24,4%, hộ khá có 426 hộ, chiếm 46,4%, hộ trung bình có 208 hộ, chiếm 22,6%, hộ cận nghèo có 32 hộ chiếm 3,4%, hộ nghèo có 19 hộ chiếm 2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm.

6. Văn hóa.
Các dân tộc bản địa ở Thị trấn Vinh Quang đều có tín ngưỡng thờ đa thần, trong đó chủ yếu thờ thần rừng, còn lại một số dân tộc khác như dân tộc Kinh thì chủ yếu thờ cúng tổ tiên và một số vị thần thánh khác theo tín ngưỡng tâm linh của người Việt như: Mẫu Thượng Ngàn, mẫu chúa Bà Sơn Trang… 

Thị trấn Vinh Quang hiện có 02 di tích văn hóa lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh, đó là: Di tích lịch sử Đồn Pố Lũng tại thôn Pố Lũng và Di tích lịch sử - văn hóa đền Vinh Quang tại tổ dân phố 3.

7. Giáo dục.
Trên địa bàn thị trấn Vinh Quang hiện có 6 nhà trường, gồm: Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hoàng Su Phì, Trường phổ thông trung học Hoàng Su Phì, Trường phổ thông cơ sở thị trấn Vinh Quang, Trường tiểu học thị trấn Vinh Quang, Trường mầm non thị trấn Vinh Quang và Trung tâm giáo dục thường xuyên Hoàng Su Phì với tổng số 960 học sinh thuộc các cấp học. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường học đạt 98,7%.

Tin khác

Liên kết website