Kinh tế

Trạm khuyến nông huyện Hoàng Su Phì đánh giá nghiệm thu cá Tầm

10/12/2014 00:00 227 lượt xem

Vừa qua trạm Khuyến nông huyện Hoàng Su Phì phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang tổ chức đánh giá nghiệm thu mô hình nuôi cá tầm năm 2014. Cá tầm là một loại cá quý có giá trị dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao, đây vốn là loại cá chuyên sống ở vùng nước lạnh.
Tham gia mô hình nuôi cá tầm có 2 hộ gia đình thuộc thôn Chà Hồ xã Tả Sử Choóng thực hiện mô hình với quy mô 100 m3 được hỗ trợ 1.500 con giống cá Tầm, kích cỡ giống 50 gr/con; cung cấp 1.275 kg thức ăn viên dạng hạt dùng cho cá, tổ chức hưỡng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình tham gia đồng thời tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá Tầm trong lồng, kỹ thuật thiết kế lồng nuôi, kỹ thuật nuôi, biện pháp kỹ thuật phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá. Trong quá trình nuôi thả từ tháng 2 đến tháng 8/2014 đơn vị thực hiện và Chủ hộ đã chuyển đàn cá Tầm từ lồng nuôi trong hồ chứa sang địa điểm bể nuôi tại hộ gia đình, kết quả thu được đến nay, đàn cá Tầm sinh trưởng, phát triển tốt, thích ứng tốt với điều kiện ngoại cảnh tại địa phương nuôi thả cá Tầm.

Chi phí để nuôi cá lồng lớn hơn nhiều lần so với chi phí nuôi cá truyền thống vì vậy người nuôi cần nhiều vốn hơn để có thể đầu tư nuôi có hiệu quả. Cụ thể nuôi cá Tầm với thể tích 100 m3, bao gồm các chi phí: mua lưới, khung, phao neo đậu, dây buộc, công thợ tổng chi phí hơn 7 triệu đồng. Mô hình nuôi cá Tầm trong lồng tại xã Tả Sử Choóng huyện Hoàng Su Phì sau thời gian 10 tháng năng suất nuôi đạt trên 18,28 kg/m3, tỷ lệ sống trung bình đạt 75%; sản lượng thu ước đạt 3.250 kg cá thương phẩm, với giá bán hiện nay ngoài thị trường 200.000 đồng/kg trừ toàn bộ chi phí lãi ước đạt 77,6 triệu đồng.. Mô hình nuôi cá Tầm trong lồng đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi với lợi nhuận trung bình 776.000 đồng/m3, trong một vụ nuôi, cao hơn rất nhiều so với nuôi cá lồng theo phương pháp truyền thống và nuôi cá quảng canh.
Từ hiệu quả kinh tế đem lại của mô hình này sẽ là cơ sở nhân rộng mô hình nuôi cá Tầm trên địa huyện với nhiều ưu thế về nguồn nước lạnh tại các hồ chứa nhỏ. Kết quả đem lại từ mô hình mở ra một hướng nuôi cá mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, làm cơ sở thăm quan học tập kinh nghiệm cho bà con nhân dân nuôi cá trong huyện áp dụng khai thác tiềm năng về nuôi cá nước lạnh trong hồ.
Việc nuôi cá nước lạnh tại Tả Sử Chóong huyện Hoàng Su Phì đã có bước phát triển tích cực, tuy nhiên hoạt động nuôi cá nước lạnh vẫn mang tính tự phát, manh mún và nhỏ lẻ, chưa nắm chắc được quy trình nguồn nước nuôi cá được lấy từ khác khe suối không qua xử lý được đưa trực tiếp vào các bể nuôi dẫn đến khó kiểm soát về môi trường, bên cạnh đó con giống và thức ăn đều phải nhập từ những nơi khác, dẫn đến khó chủ động trong việc nuôi thả cũng như làm tăng giá thành sản phẩm. Đây là những khó khăn vướng mắc được địa phương xác định và tìm ra giải pháp đồng bộ, để mở rộng quy mô và diện tích nuôi cá nước lạnh. Với điều kiện địa lý khí hậu thuận lợi như vậy tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng đang tìm cho mình những hướng đi thích hợp để biến những tiềm năng nuôi cá nước lạnh thành lợi thế để khai thác thế mạnh phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương./.

Tin khác

Liên kết website