Tin địa phương

Nét đẹp trang phục đồng bào Nùng ở Hoàng Su Phì

30/01/2023 10:11 25 lượt xem

Hoàng Su Phì là quê hương của 12 đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống như: Tày, Nùng, Mông, Dao, La Chí, Phù Lá… mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng riêng nhưng đều tạo chung thành bức tranh tổng thể về văn hóa của mảnh đất “Vỏ Cây Vàng” vừa đa dạng, phong phú, kết tinh nên những giá trị nhân văn cao đẹp… “Áo chàm thấp thoáng ngập ngừng! em đi chợ hội, hương rừng bay theo! Tiếng sly lư lửng đỉnh đèo, bóng áo chàm để nắng chiều lâng lâng!”  Ở Hoàng Su Phì đồng bào Nùng là dân tộc có số dân đông thứ nhất trong huyện, họ thường sống thành chòm xóm với những dãy nhà sàn liền kề nhau, có phong tục và quy ước về nếp sống cộng đồng, cùng với ẩm thực và ngôn ngữ thì trang phục chính là một trong những dấu hiệu nhận biết giữa các dân tộc với nhau. Trang phục truyền thống của dân tộc Nùng so với cả nước nói chung và dân tộc Nùng sinh sống ở Hoàng Su Phì nói riêng, chính là những bộ quần áo mang sắc chàm duyên dáng...

Nét đẹp trang phục đồng bào Nùng ở Hoàng Su Phì

Người Nùng sống trên vùng núi cao nên thường tự nhuộm vải chàm tự cắt may trang phục cho mình và theo phong tục tập quán của đồng bào Nùng thì họ chỉ mặc những bộ trang phục do tự mình làm ra. Về tổng thể trang phục của dân tộc Nùng có hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng; màu sắc trên trang phục cũng khá đa dạng từ màu xanh nhạt đến xanh thắm, tím than, xanh đen… nhưng phổ biến nhất vẫn là màu xanh đen được nhuộm thủ công từ cây Chàm. Để làm ra được một bộ áo chàm, cần rất nhiều công đoạn trước hết đó là khâu dệt vải, trước đây vải chàm được làm từ cây bông, ngày nay do quá trình phát triển xã hội và tái cơ cấu cây trồng, đồng bào đã ít trồng bông để kéo sợi theo lối cổ, thay vào đó họ thường mua các cuộn bông đã được sơ chế để tự dệt thành vải, qua bàn tay thoan thoắt điêu luyện của các mẹ, các chị… mà tấm vải từ từ được hình thành, dù nghề dệt đã có nhiều thay đổi nhưng tận mắt thấy đồng bào dệt thành những tấm vải, mới thấy cả sự kỳ công trong công việc, tưởng chừng rất đơn giản đó. Tấm vải được dệt xong, lúc này những người phụ nữ mới bắt đầu công việc nhuộm chàm cũng không kém phần công phu và tỉ mỉ. Chàm là một loại cây trồng khá phổ biến đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và đây cũng chính là loại nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên những bộ quần áo theo đúng truyền thống của người Nùng. 

Công đoạn nhuộm này sẽ được làm đi làm lại trong khoảng 1 tháng để tấm vải chàm đạt tới màu đen hoặc màu xanh đen đúng theo yêu cầu. Khi nhuộm và phơi vải cũng cần phải có kinh nghiệm như: không nên phơi vải lúc nắng quá to, ngâm vải cũng không nên ngâm quá lâu vì như thế dễ làm cho màu của vải bị phai, chất vải sẽ không được đẹp.

Từ những tấm vải đã được nhuộm, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, những bộ trang phục của đồng bào được may vừa vặn với người mặc, đây cũng là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự chuyên tâm và thật cẩn thận, mà chỉ có các bà, các mẹ mới làm được. Một vuông vải chàm có thể may váy, may áo làm mặt gối, mặt chăn, làm khăn đội đầu hay cũng có khi là dùng để thêu thùa, trang trí trong gia đình. Không biết từ bao giờ vải chàm đã tạo nên nét duyên dáng trong trang phục của người con gái, làm thăng hoa hương sắc thổ cẩm, những họa tiết thổ cẩm với sắc màu rực rỡ, được khéo léo thêu trên nền sắc màu chàm đã tạo nên cái hồn của mỗi trang phục dân tộc, chỉ cần nhìn vào vuông vải cũng có thể nhận ra được nét tinh hoa văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền.

 Lý giải về màu sắc của áo chàm truyền thống đồng bào cho rằng, từ xa xưa người Nùng vốn sinh sống bằng canh tác nông nghiệp, đặc trưng là làm lúa nương, lúa nước nên việc nhuộm áo trắng, dệt sợi bông trắng thành màu chàm từ nước của cây chàm vừa đỡ nhiều công giặt rũ, vừa hài hòa với tự nhiên và nhất là nước chàm khi ngấm vào áo sẽ làm cho vải bền màu và lâu hỏng hơn, bộ quần áo chàm chính là phần tâm hồn, định danh bản sắc riêng của đồng bào nơi đây. Hiện nay bà con người Nùng ở Hoàng Su Phì vẫn chọn mặc những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày, khi làm đồng, trong đám cưới hay lễ hội, mùi thơm của vải chàm đã gắn bó với họ từ lâu đời và người Nùng luôn tự hào về bộ quần áo chàm mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

 Có thể nói, trang phục áo chàm của dân tộc Nùng không chỉ là sản phẩm vật chất của con người mà trong đó còn là niềm tự hào, tình yêu với quê hương của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Việc lưu giữ những nét đẹp văn hóa trong trang phục truyền thống đồng bào Nùng cũng đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì./. 

Hoàng Tính

Tin khác

Liên kết website