Tin địa phương

Hoàng Su Phì bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

30/01/2023 10:02 27 lượt xem

Hoàng Su Phì là huyện biên giới, nằm phía tây của tỉnh, có 12 dân tộc sống đan xen ở các thôn bản, tổ dân phố. Trong đó, mỗi dân tộc có nét văn hóa và phong tục tập quán riêng, là vốn tài sản quý giá của đồng bào. Nhất là với những làn điệu dân ca và điệu múa đặc sắc của mỗi dân tộc đã làm nên các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người.

Hoàng Su Phì bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Một mùa xuân nữa lại về trên những bản làng vùng cao, đất trời như được khoác trên mình tấm áo mới vừa tràn đầy sức sống được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện như: Dao, Mông, Nùng, Cờ lao, La Chí…. mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng được tổ chức vào các mùa trong năm, như lễ hội “Gàu Tào” của dân tộc Mông, “Tắm than” hay còn gọi nhảy lửa của người Dao, “Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “cúng rừng” của người Nùng.... Ngoài ra còn có các làn điệu dân ca, dân vũ như hát giao duyên, hát lướn, múa khèn và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến, liếm lưỡi cày nung đỏ, giữ gậy, đánh sảng nay vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực cho sự phát triển, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc góp phần tạo nên tính bền vững của các giá trị văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc, chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của huyện, trong vài năm gần đây, ngành du lịch cộng đồng ở Hoàng Su Phì đang phát triển mạnh, việc nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc của mỗi dân tộc trên địa bàn huyện đã được chú trọng, không ngừng đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu du khách thập phương đến với huyện.

Những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nhiều du khách tìm đến khám phá sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các làng, bản của đồng bào các dân tộc, làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách như: Lò rèn đúc tại làng văn hoá du lịch Lê Hồng Phong xã Nam Sơn; dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc ở xã Hồ Thầu, Nam Sơn, Nậm Ty; làm giấy bản xã Thông Nguyên... mang đậm nét văn hoá, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 09 di tích, di sản được các cấp ra quyết định xếp hạng di sản. Trong đó, di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh 04 di tích gồm: Di tích lịch sử - văn hóa Đền Suối Thầu, đền Vinh Quang, Đồn Pố Lũng thị trấn Vinh Quang và khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng xã Bản Phùng, Bản Máy. Di tích, di sản văn hóa cấp Quốc gia 01 di tích vật thể. Danh thắng ruộng bậc thang tại 11 xã (Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Bản Phùng, Sán Xả Hồ, Pố Lồ, Thàng Tín, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Nậm Khòa, Bản Luốc) và 06 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lễ hội Quyã Hiéng dân tộc Dao xã Hồ Thầu; Lễ cúng thần rừng dân tộc Nùng; Tết Khu Cù Tê dân tộc La Chí xã Bản Phùng; nghề chạm khắc bạc dân tộc Nùng xã Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn; Lễ hội Bàn Vương dân tộc Dao xã Hồ Thầu; Lễ cầu mùa dân tộc Cờ Lao xã Túng sán.

Xác định quan điểm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt; xây dựng văn hóa, con người huyện Hoàng Su Phì là nền tảng, là mục tiêu, động lực để phát triển. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện; lưu giữ, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, dân ca dân vũ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Với hướng đi mới trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc huyện Hoàng Su Phì gắn với phát triển du lịch, không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra các sản phẩm đẹp có giá trị cao phục vụ khách du lịch, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tạo sinh kế bền vững cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương./.

Hoàng Tính

Tin khác

Liên kết website