Kinh tế

Hướng đi đúng trong phát triển kinh tế của huyện Hoàng Su Phì

22/06/2015 00:00 417 lượt xem

Hoàng Su Phì là một trong 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những năm gần đây, huyện đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm từng bước đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của nhân dân, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.
Hoàng Su Phì là một trong những huyện biên giới phía tây của tỉnh Hà Giang, đây là một trong  những địa phương của tỉnh có địa hình phức tạp do nằm trên khu vực thượng nguồn Sông Chảy và bị bao bọc bởi 2 khối núi Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi, kết cấu địa tầng yếu và bị chia cắt mạnh bởi những sông và các khe suối sâu nên khí hậu mang tính tiểu vùng rất khắc nghiệt, một năm chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5 năm sau. Toàn huyện được chia thành 24 xã và 1 thị trấn, với 193 thôn bản và 6 tổ dân phố trong đó có 4 xã có đường biên giới giáp với Trung Quốc, tổng chiều dài đường biên là 39,7km. Đây là địa bàn sinh sống của 12.558 hộ - 62.580 nhân khẩu thuộc 12 dân tộc trong đó dân tộc Nùng chiếm 38,8%, Dao 21,8%, Mông 12,6%, Tày 14,2%, còn lại là các dân tộc khác.

Là một trong 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Hoàng Su Phì vốn có xuất phát điểm thấp trên lĩnh vực kinh tế - xã hội do đặc điểm về địa lý địa hình, đường xá giao thông không thuận tiện, thông qua các chương trình, dự án, hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư, xong còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là cấp xã. Những năm trước đây nền kinh tế của huyện chủ yếu là canh tác nông nghiệp trên diện tích hơn 13.500 ha, trong đó diện tích lúa ruộng bậc thang là 3.700 ha, nhưng do thiếu nước sản xuất nên chỉ có 350 ha gieo cấy được 2 vụ, còn lại là các chân ruộng 1 vụ. Ngoài ra người dân còn gieo trồng một số loại cây hoa màu ngắn ngày khác như ngô, đậu tương, lạc vừng... Trong khi đó các khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển, toàn huyện chỉ có một vài cơ sở chế biến chè xanh, các loại nông sản khác hầu hết là qua sơ chế hoặc xuất thô thông qua các tiểu thương kinh doanh cá thể khiến cho giá trị các sản phẩm nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương. Mặt khác, do trải qua cả một thời gian dài của nền kinh tế tự túc tự cấp nên đa số người dân chưa có ý thức vươn lên khai thác những tiềm năng thế mạnh của địa phương để thoát nghèo và làm giàu chính đáng, một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ ỉ nại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước nên đây là một trong những rào cản đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của huyện.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì khoá XIX được coi như một cái mốc tạo bước đột phá trên chặng đường xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trên cơ sở 4 đổi mới và 8 đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, huyện đã cụ thể hoá bằng những mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện, trong đó đặc biệt chú trọng việc chuyển dịch cơ cấu cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch vùng kinh tế, trục kinh tế, ưu tiên đầu tư phát triển làm vệ tinh cho các xã lân cận. Quy hoạch bố trí dân cư ra khỏi vùng xung yếu, sắp xếp dân cư quy tụ tập trung, xây dựng nông thôn mới, gắn với công tác xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa nhằm tạo thuận lợi cho quy hoạch, đầu tư phát triển. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế, hạ tầng du lịch để khai thác lợi thế về du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Tạo cơ chế thông thoáng kêu gọi đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào huyện. Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của nhân dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Đi liền với đó là việc ban hành các cơ chế thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất cho nhân dân.

Căn cứ 15 chương trình trọng tâm của tỉnh, trên cơ sở thực tế phát triển sản xuất của địa phương, huyện xác định lấy sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ nông lâm sản là mũi nhọn trong việc xây dựng và phát triển kinh tế. Năm 2010 UBND huyện ban hành Phương án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020 với các loại cây chủ lực được xác định để tập trung vào phát triển gồm: Chè, đậu tương và cây ngô.

Đối với cây lúa, cây ngô và cây đậu tương, huyện xác định việc thay đổi cơ cấu giống sang gieo trồng các loại giống mới chính là yếu tố then chốt. Bên cạnh việc gieo trồng các loại giống lúa thuần năng xuất chất lượng cao thì huyện cũng chủ trương tạo bước đột phá về cơ cấu giống qua việc thực hiện cơ chế trợ giá giống loại lúa lai năng xuất cao như Cương ưu 725, kim ưu 725, khang dân 18 và giống lúa chất lượng cao HT1, HT6. Nếu như năm 2011 tỷ lệ gieo trồng lúa lai đạt trên 60% diện tích thì đến năm 2014 đạt tỷ lệ trên 73% trên tổng diện tích 3.866,4 ha, diện tích lúa thâm canh chiếm 97% tổng diện tích gieo cấy. Kết quả cho thấy năng xuất sản lượng đều tăng khá, năm 2014 tổng sản lượng đạt 22.206,7 tấn tăng 1.144 tấn so với năm 2011.

 Đối với cây ngô: Năm 2014 tổng diện tích gieo trồng 4.103ha trong đó diện tích ngô lai chiếm trên 77%, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ thâm canh ngô lai CP 999, NK 66 cho nông dân, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất ngô hàng hóa tại các xã gắn với việc tìm đầu ra cho sản phẩm ngô hàng hóa của huyện. Tổng sản lượng ngô cả năm đạt 13.580 tấn, tăng 830 tấn so với năm 2011.

Cây đậu tương được xác định là loại cây hàng hoá chủ lực với các loại giống chủ yếu là giống DT 84 đã được thử nghiệm thành công qua nhiều năm. Cùng với việc mở rộng và tận dụng diện tích gieo trồng, trong năm 2014 huyện đã thực hiện cơ chế hỗ trợ giống và phân bón cho nông dân trồng đậu tương. Kết quả năm 2014 toàn huyện gieo trồng được 5.454,4 ha, sản lượng đạt 8.187 tấn, tăng 1.442 tấn so với năm 2011.

Đối với cây chè: Được coi là điểm nhấn quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tại các xã: Túng Sán, Nậm Dịch, Nam Sơn, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng, Bản Péo, Bản Luốc, Nậm Ty, Hồ Thầu, Nậm Khòa với diện tích 4.706 ha. Chiến lược phát triển cây chè đang được huyện quan tâm và chỉ đạo tích cực bằng các biện pháp cụ thể như: phát triển dựa vào cộng đồng làm chủ đạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, chế biến chè xuất khẩu; đặc biệt chú trọng tạo vùng nguyên liệu tập trung cho mỗi nhà máy cụ thể. Các doanh nghiệp, các cá nhân đã có đồi chè, nhà máy được khuyến khích tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật, thiết bị công nghệ vào các khâu tưới tiêu; chăm sóc; thu hái; bảo quản búp tươi nhằm tăng tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè sạch, đồng thời cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách hàng và duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn Vietgap đã được công nhận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè của huyện.

 Ngoài việc tập trung phát triển các loại cây chủ lực theo hướng hàng hoá thì một số loại cây con giống khác cũng được chú trọng, đặc biệt là các loại cây dược liệu, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện phù hợp nên các loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt, được triển khai tại một số địa phương như: Hồ Thầu, Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài, Đản Ván, Túng Sán đã đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Đây được coi như một bước đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp của huyện, tạo bước đệm cho việc triển khai dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại các huyện 30a và là một bộ phận cấu thành của vùng dược liệu trọng điểm Quốc gia của tỉnh Hà Giang.

Như vậy có thể thấy việc thay đổi cơ cấu giống theo hướng gieo trồng các loại giống mới chính là yếu tố then chốt trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất kinh tế nông nghiệp, tạo bước nhảy vọt về năng xuất, chất lượng của sản phẩm nông lâm nghiệp của huyện. Từ chỗ thường xuyên thiếu hụt về lương thực đến nay về cơ bản huyện đã giải quyết được tình trạng thiếu đói, đảm bảo được an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của nhân dân và xuất bán ra ngoài thị trường, bước đầu xây dựng được ý thức sản xuất hàng hoá trong nhân dân. Tuy nhiên điều đó cũng đặt ra yêu cầu trong việc chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Những năm trước đây, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân chủ yếu do các tư thương bao tiêu nên thường xảy ra tình trạng ép giá, nông sản chủ yếu là xuất thô khiến cho thu nhập đem lại chưa tương xứng với giá trị sản phẩm.

Nhiều năm trở lại đây, cùng với việc nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm nông nghiệp huyện đã chú trọng gắn việc sản xuất với chế biến tiêu thụ để nâng cao giá trị hàng nông sản, đi liền với đó là việc tăng cường quảng bá giới thiệu để tìm thị trường. Có thể nói, lĩnh vực công tiểu thủ công nghiệp của huyện dần được phát triển mạnh mẽ, một số sản phẩm thế mạnh của huyện đã trở thành hàng hoá có thương hiệu trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng như sản phẩm chè, rau sạch, thóc gạo... hoạt động sản xuất nhỏ lẻ dần được mở rộng quy mô, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất chế biến chè sạch tại các xã Túng Sán, Nậm Dịch, Nam Sơn, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng, Bản Péo, Bản Luốc, Nậm Ty, Hồ Thầu, Nậm Khòa, vùng sản xuất ngô hàng hóa tại các xã: Pố Lồ, Thàng Tín, Tụ Nhân, Chiến Phố, Bản Máy, Pờ Ly Ngài, Sán Sả Hồ, Nàng Đôn, Tân Tiến, Ngàm Đăng Vài, Bản Luốc...

Từ năm 2010 đến nay, huyện đã có cơ chế, khuyến khích ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân, các HTX về vốn, lãi xuất, khoa học kỹ thuật và quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm khuyến khích, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, đồng thời cũng là điều kiện để người nông dân và các HTX tích cực, nỗ lực hơn trong sản xuất, tìm hiểu thị trường, tiếp cận khoa học kỹ thuật và đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất, chế biến các sản phẩm có lợi thế tại địa phương. Các  HTX, tiêu biểu là HTX dịch vụ tổng hợp Vinh Quang và HTX thương mại, dịch vụ và chế biến nông lâm sản Hoàng Su Phì là những hạt nhân đi đầu trong lĩnh vực chế biến tiêu thụ, quảng bá tìm đầu ra cho các sản phẩm nông lâm nghiệp của huyện. Đến nay, nhiều mặt hàng nông lâm sản đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác như: Chè xanh, rượu thóc, thóc gạo, đậu tương, thảo quả..

Một nhân tố quan trọng không thể thiếu quyết định sự thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế của huyện thời gian qua đó là vai trò trách nhiệm của người dân. Nhiều năm qua, cấp uỷ chính quyền từ huyện đến xã đặc biệt chú trọng việc khơi dậy, sử dụng và phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của người dân qua việc thành lập các tổ, đội chỉ đạo sản xuất, nhóm sở thích tại các thôn bản, duy trì tốt các phong trào thi đua với sự tham gia của người dân như: Phong trào xây dựng làng văn hoá, giá đình văn hoá, Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Chương trình xây dựng nông thôn mới... gắn với đó là việc phát huy dân chủ trong nhân dân, tạo điều kiện cho người dân được bàn bạc thảo luận các mục tiêu, kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế xã hội theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng”. Các cuộc họp thôn cũng được chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng để giúp cán bộ thôn nâng cao năng lực quản lý, điều hành tại cấp thôn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế ở cơ sở. Thực tế cho thấy, việc triển khai cơ chế khuyến khích sản xuất theo hướng hàng hoá để người nông dân triển khai thực hiện có sự hỗ trợ của huyện đã phát huy hiệu quả, hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến tiêu thụ nông lâm sản, từng bước làm thay đổi toàn diện về tập quán sản xuất trong nhân dân khi các loại hàng hoá ngoài cây lúa đem lại cho họ nguồn lợi nhuận thu nhập cao, khiến cho người nông dân gắn bó hơn với ruộng vườn, chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất gieo trồng, tạo sự chuyển biến lớn về lĩnh vực kinh tế xã hội của huyện.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực kinh tế của huyện Hoàng Su Phì trong thời gian qua là điểm nhấn quan trọng khẳng định hướng đi đúng đắn, sáng tạo của Cấp uỷ chính quyền huyện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nó tạo đà cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục vươn lên, trở thành điểm sáng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang.

Tin khác

Liên kết website