Quốc phòng - An ninh

Giải pháp nào chấm dứt tình trạng lao động qua biên giới bất hợp pháp?

09/06/2015 00:00 276 lượt xem

Tình trạng công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động đã diễn ra nhiều năm qua, hầu hết là cư dân biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, thân tộc với người dân các địa phương giáp biên của Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng số đông lao động trong nội địa dồn về khu vực biên giới tìm cách vượt biên trái phép sang Trung Quốc kiếm việc làm. Để chấm dứt tình trạng này, rất cần một giải pháp căn cơ, đồng bộ.
Hiểm họa khôn lường

Theo báo cáo của BĐBP, Công an các tỉnh biên giới phía Bắc, ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, hàng nghìn lao động nông thôn từ mọi ngả đường dồn về khu vực biên giới tìm cách vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Điển hình, trong 2 ngày 6 và 7-3, Công an huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 2 vụ, 4 đối tượng đứng ra lôi kéo, tổ chức đưa 90 người dân các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mục đích lao động, làm thuê. Trước đó, như Báo Biên phòng đã thông tin, ngày 2-3-2015, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ngăn chặn, bắt quả tang 4 đối tượng đang có hành vi tổ chức đưa 58 người dân huyện Kỳ Anh sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Mỗi người trốn đi phải nộp phí cho bọn chúng từ 6-8 triệu đồng.

Tại Lạng Sơn, qua công tác nắm tình hình, BĐBP phối hợp Công an tỉnh đã kịp thời ngăn chặn trên 5 nghìn người dân từ các địa phương trong nội địa đang tập trung gần khu vực biên giới các huyện Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc... để tìm đường vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Theo Trung tá Trần Minh Hải, Chính trị viên Đồn BPCK Chi Ma, có thời điểm lực lượng chức năng chốt chặn tại vành đai biên giới đã phát hiện trên 2 nghìn người ngoài địa bàn biên giới đang tìm cách xâm nhập vào khu vực biên giới.

Đáng lo ngại là những lao động đến từ ngoại tỉnh tụ tập thành từng nhóm, sinh hoạt vạ vật gây bất ổn về an ninh trật tự trong các khu biên giới. Tại nhiều bến xe, trục đường vào khu vực biên giới, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang phải hết sức vất vả đối phó với số đông người tạm trú đổ về. Nguy cơ bùng phát các điểm nóng về an ninh và tệ nạn xã hội đang đe dọa nghiêm trọng nhiều vùng biên thanh bình.

Tiếp cận tốp nông dân người Lục Ngạn (Bắc Giang) bên một quán nước ven đường vào xã Tú Mịch (huyện Lộc Bình) đang đợi người cùng quê đón sang Trung Quốc làm thuê cho một nông trại, tôi thực sự ngạc nhiên vì họ chưa biết sẽ làm thuê cho ai, ở đâu. Thiếu hiểu biết về luật pháp và bị bưng bít thông tin, đa số người tìm đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, không biết mình đang liều lĩnh đánh bạc với số phận.

Anh Nguyễn Văn Thân, một nông dân tâm sự: "Tranh thủ dịp nông nhàn, tôi theo người bà con sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền mua máy bơm về tưới nước cho vườn vải". Khi tôi cho biết những rủi ro, nguy hiểm khi lao động trái phép tại Trung Quốc như nếu bị bắt giữ, người lao động trái phép sẽ bị giam giữ, buộc lao động công ích, phạt tiền, tịch thu tài sản... Không ít người đã "trắng tay" khi trở về nước sau bao ngày tháng lao động cực nhọc. Thoáng chút bối rối, anh Thân tặc lưỡi: "Tôi đã nghe nhiều thông tin về người lao động tại Trung Quốc bị bạo hành, quỵt tiền công, bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản, nhưng người bà con làm thuê cả năm bên đó có sao đâu. Nghèo quá phải liều thôi!".

Câu chuyện trên cho thấy một thực tế: Bỏ qua lời cảnh tỉnh từ hàng trăm vụ việc đau lòng của người lao động "chui" bị bóc lột sức lao động thậm tệ, thậm chí bị thương tật, tử vong do điều kiện lao động tồi tệ, người dân tại các vùng quê nghèo vẫn nghe theo những lời đường mật, rủ rê, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy, 2 năm qua, công dân Việt Nam sang Trung Quốc lao động trái phép đang tăng cao đến mức báo động, gấp 3 lần so với thời điểm năm 2010.

Đáng chú ý là cư dân biên giới chỉ chiếm số lượng không đáng kể, phần lớn lao động trái phép xuất phát từ các địa phương trong nội địa như: Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa... Lý giải vấn nạn này, ông Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, sức hút của thị trường lao động Trung Quốc đối với các nông dân nghèo không chỉ vì tiền công cao, mà còn vì không đòi hỏi cao về trình độ, chất lượng lao động trong các ngành nghề: Khai khoáng, trồng trọt, thu hoạch nông sản, vận chuyển hàng hóa... Nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vùng giáp biên của Trung Quốc ngày càng tăng, do lao động bản địa di cư về các vùng đô thị lớn làm việc.

Không thể phủ nhận người lao động Việt Nam qua biên giới làm thuê đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho các hộ nghèo và thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển. Ngoài ra, lao động Việt Nam còn có cơ hội trao đổi, tiếp thu, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, đại bộ phận người lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc là tự phát, không thông qua các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng, vì thế mà quyền lợi của họ không được đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại. Người lao động "chui" thực tế phải làm việc rất khổ cực từ 3 - 4 ca/ngày trong điều kiện mất vệ sinh, an toàn lao động; thu nhập chỉ từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, trong khi phải ở tập trung trong khu nhà tạm bợ tối tăm để trốn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức trách Trung Quốc. Việc thực hiện các quyền lợi của người lao động như nghỉ ngơi, chữa bệnh, bảo hiểm đều bị chủ lao động từ chối thực hiện.

Tình trạng vượt biên trái phép qua biên giới thêm diễn biến phức tạp, nghiêm trọng bởi sự hoạt động liều lĩnh của các ổ nhóm, đường dây lôi kéo, lừa đảo đưa người đi lao động trái phép. Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý lao động, bọn tội phạm tìm mọi cách tiếp cận những người có hoàn cảnh khó khăn, đang có nhu cầu tìm việc làm, để vẽ ra viễn cảnh việc làm ổn định, lương cao. Mục đích của các đối tượng là lôi kéo được càng nhiều người đi sang Trung Quốc lao động càng tốt để nhận tiền công lên tới 2 triệu đồng/người và tiền hoa hồng quản lý lao động hằng tháng.

Để giảm tối đa chi phí, bọn chúng móc nối với các đối tượng ở khu vực giáp biên tổ chức đưa người lao động vượt biên trái phép qua đường mòn, lối mở sang Trung Quốc, đẩy người lao động lương thiện trở thành những kẻ phạm pháp và hoàn toàn phụ thuộc vào các đường dây tội phạm. Nguy hiểm hơn, nhiều người lao động bị bọn tội phạm lợi dụng, cưỡng bức tham gia vào các hoạt động mua bán ma túy, buôn người, vận chuyển hàng cấm qua biên giới.

Cần những giải pháp đồng bộ

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, ngay từ cuối năm 2014, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng để chặn đứng dòng người lao động tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tất cả các đồn BP trên tuyến biên giới Việt - Trung duy trì nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu; phối hợp với các đơn vị công an bố trí lực lượng thường trực chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên biên giới và các trục đường vào khu vực biên giới để ngăn chặn tại chỗ và từ xa các hành vi xuất nhập cảnh trái phép.

Sau 2 tháng triển khai, các lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và vận động được trên 20 nghìn lượt người có ý định vượt biên trái phép qua biên giới trở về quê lao động; xử lý hàng chục đối tượng cầm đầu lôi kéo người lao động đi làm việc trái phép. Tại các địa bàn trọng điểm, BĐBP tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp mạnh để hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng lao động qua biên giới bất hợp pháp.

4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã thỏa thuận thống nhất xây dựng cơ chế pháp lý về việc tạo điều kiện cho người lao động qua lại biên giới, quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động khi qua lại làm việc trong phạm vi quy định của hai bên. Theo đó, các địa phương hai bên biên giới sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, chính sách, pháp luật, cung ứng lao động hợp pháp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Trung Quốc.

Đến nay, nhiều huyện biên giới đã thành lập tổ liên ngành gồm các lực lượng: Biên phòng (tổ trưởng), Công an và Phòng LĐ-TB-XH làm nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp thông tin, hỗ trợ người lao động phòng ngừa, đối phó với những nguy cơ khi qua biên giới làm việc và thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết những tình huống cấp thiết bảo vệ người lao động.

Bằng các giải pháp quyết liệt và triệt để, một số địa bàn từng được xem là "điểm nóng" về xuất cảnh trái phép qua biên giới như: Hạ Lang (Cao Bằng), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mường Khương (Lào Cai), Lộc Bình (Lạng Sơn), Bình Liêu (Quảng Ninh)... số người vượt biên giới trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp giảm đáng kể. Người lao động yên tâm làm việc, có thu nhập ổn định tại quê hương nhờ các tiềm năng, thế mạnh của địa phương được phát huy tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Thiết nghĩ, để giải quyết tận gốc tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu, các cấp, các ngành, các địa phương cần vào cuộc đồng bộ, tích cực để giải quyết kịp thời những khó khăn về việc làm, thu nhập giúp nhân dân yên tâm bám đất, bám làng làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình./.

Tin khác

Liên kết website