Tin địa phương

Độc đáo sắc màu chợ phiên Vinh Quang huyện Hoàng Su Phì

09/07/2015 00:00 293 lượt xem

Chợ Vinh Quang là một trong 4 chợ được hình thành lâu đời nhất và được duy trì đến ngày nay của huyện Hoàng Su Phì gồm: Chợ Vinh Quang, chợ Thông Nguyên, chợ Nậm Dịch và chợ Bản Máy. Quá trình tồn tại của chợ Vinh Quang gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cụm dân cư thuộc trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì.
Chợ Vinh Quang được mở ngay trên tuyến đường 177 đoạn km 60 đến km 60 + 300 khu vực trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì và được kéo dài theo tuyến đường liên xã từ tổ dân phố 3 thị trấn Vinh Quang đến hết địa phận tổ dân phố 1 thị trấn Vinh Quang. Chợ được bày bán đủ mọi mặt hàng như: rau quả, nông sản, gia súc gia cầm, thảo dược, các sản phẩm thổ cẩm sặc sỡ đủ màu sắc. Mặc dù hiện nay có nhiều loại hàng hóa sản phẩm công nghiệp, quần áo, giày dép thời trang hiện đại được bày bán tại chợ nhưng trải qua nhiều năm tháng, chợ Vinh Quang vẫn giữ được bản sắc và màu sắc vốn có của phiên chợ vùng cao.

Quá trình tồn tại và phát triển.

Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, thị trấn Vinh Quang ngày nay vốn là nơi thực dân Pháp xây dựng trụ sở của bộ máy cai trị cùng với hệ thống đồn bốt xung quanh khu vực huyện lỵ, đây cũng là nơi cư trú và buôn bán của một số hộ gia đình người Hoa và người Kinh (Việt) di cư từ miền xuôi lên sinh sống, đồng thời buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm như dầu, muối, vải và các món ăn địa phương. Từ nhu cầu trao đổi hàng nông sản của cư dân các vùng xung quanh huyện lỵ, chợ Vinh Quang được hình thành.

Ban đầu, chợ Vinh Quang được họp mỗi tuần 1 lần vào ngày chủ nhật, chợ họp ngoài trời ngay tại ven suối khu vực Lâm trường giáp tỉnh lộ 177 đoạn km 58 (Giáp với cầu cứng Vinh Quang đi Bản Luốc ngày nay). Các mặt hàng khi đó chủ yếu gồm dầu, muối, vải, kim chỉ, dược liệu, thực phẩm, hàng nông sản, đồ ăn uống... Do đường xá giao thông chưa phát triển chủ yếu là dùng ngựa thồ và đi bộ nên cư dân trong vùng thường đi chợ từ rất sớm, thậm chí phải đi từ chiều hôm trước. Chợ thường họp muộn từ 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều thì tan.

Do quá trình phát triển của khu vực thị trấn Vinh Quang, để thuận lợi cho việc mua bán trao đổi hàng hóa, từ khoảng năm 1978 chợ Vinh Quang được chuyển về trung tâm huyện lỵ. Đến tháng 2 năm 1985 do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh biên giới, huyện lỵ được sơ tán vào xã Nam Sơn, trong thời gian này chợ Vinh Quang vẫn được duy trì, song quy mô không lớn, đến năm 1989 tình hình biên giới ổn định nên trụ sở huyện lỵ lại được chuyển về xã Vinh Quang, trung tâm chợ khi đó được xây dựng tại trung tâm huyện lỵ thuộc địa bản tổ dân phố 1 trên diện tích hơn 600m2, nền đổ bê tông, cột bê tông kèo sắt và lợp ngói. Ngoài ra, một số hộ tư thương tự mở các ki ốt nhỏ để bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dọc tuyến đường nội thị trung tâm huyện. Vào các phiên chợ chính họp vào chủ nhật hàng tuần chợ vẫn được họp trên toàn bộ đường phố tại khu vực trung tâm huyện lỵ từ ngã ba cổng trụ sở Ủy ban nhân dân huyện đến hết địa phận tổ dân phố 1.

Năm 2000, khu nhà chợ chính của chợ Vinh Quang được phá bỏ để xây dựng thành trung tâm văn hóa thương mại 3 tầng trên tổng diện tích hơn 300m2, đến năm 2002 thì đưa vào sử dụng, trong đó tầng 1 là nơi bán các mặt hàng nông sản, hàng khô, các tầng 2 và 3 được cho các tư thương thuê dài hạn bán các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ điện tử, thuốc thú y... Ngoài khu vực được xây dựng 3 tầng kiên cố, toàn bộ diện tích phía trong sát bờ suối được kè cao để xây các ky ốt quy mô cấp 4 và lợp mái che cho tư thương thuê làm nơi bán đồ ăn uống, thực phẩm, hàng khô... Trong thời gian này, toàn bộ các ki ốt nhỏ dọc tuyến phố chính được giải tỏa để tập trung vào khu vực chợ trung tâm, hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa trên tuyến phố chính chỉ được diễn ra trong phiên chợ chính vào chủ nhật hàng tuần.

Do nhu cầu mua bán giao thương ngày càng tăng, từ năm 2011 huyện tiếp tục thành lập chợ gia súc trên diện tích đất của Trường tiểu học Vinh Quang cũ tại tổ dân phố 4 để phục vụ nhu cầu mua bán trao đổi gia súc của nhân dân.

Từ đầu những năm 2000 đến nay, do chính sách đầu tư của nhà nước, hệ thống đường giao thông được mở mới và nâng cấp, đời sống của nhân dân được cải thiện, đa số các hộ gia đình đã mua được xe máy nên vào các phiên chính chợ được họp sớm và tan sớm hơn, thông thường thì từ 6h30 buổi sáng đã diễn ra các hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa, đến khoảng 11 giờ trưa thì tan chợ.
 
Trang phục truyền thống - mặt hàng được nhiều người trao đổi mua bán tại chợ Vinh Quang

Hàng hóa.
Từ năm 1990 trở về trước, hoạt động mua bán hàng hóa chủ yếu do cửa hàng thương nghiệp và cửa hàng thực phẩm của huyện điều tiết. Các mặt hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu như: Dầu muối, giấy vở, vải, kim chỉ, cá khô... ngoài ra, người dân còn trao đổi mua bán các mặt hàng như thóc gạo, rau củ quả, thắng cố, phở... Một số mặt hàng như: đậu tương, chè, thảo quả, gia súc... được cửa hàng thương nghiệp tổ chức thu mua và chuyển về xuôi.

Từ những năm 1990 trở lại đây, do chính sách mở cửa, tình trạng ngăn sông cấm chợ được bãi bỏ, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư buôn bán trao đổi hàng hóa, đời sống của nhân dân được nâng cao nên số lượng và chủng loại hàng hóa cũng phong phú hơn, nhiều mặt hàng chất lượng cao được giới thiệu và bày bán như: Đồ điện tử, quần áo, nội thất, máy móc nông cụ...

Đặc trưng văn hóa.

Tại chợ Vinh Quang, những năm trước đây, ngoài việc mua sắm hàng hóa, người dân còn xuống chợ để giao lưu gặp gỡ bạn bè, người thân và ăn uống cũng như tham gia các hoạt động văn hóa như múa khèn, đánh sảng, hát giao duyên, trai gái hẹn hò giao ước... Ngày nay đặc trưng văn hoá của phiên chợ có nhiều thay đổi do điều kiện đường xá thuận lợi nên thời gian họp chợ sớm và tan sớm, một số hoạt động văn hoá thưa dần, người dân xuống chợ chủ yếu là tham gia các hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá và ăn uống. Các hoạt động mua bán diễn ra hiền hoà và hoà đồng, thuận mua vừa bán, nhiều loại hàng hoá như: Đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, đồ trang sức, gia cầm... được người dân mang trên tay hoặc đeo trên người vừa đi vừa bán dong tại chợ.

Tin khác

Liên kết website