Xã Hồ Thầu

Xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì

08/07/2015 00:00 2224 lượt xem

Thông tin chung.
 
Tên gọi, vị trí địa lý.

Xã Hồ thầu được gọi theo tiếng bản địa tức là Đầu nguồn - là nơi bắt nguồn những nhánh suối nhỏ của thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc. Là một trong những xã phía nam của huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, cách trung tâm huyện lỵ 30 km.

Về vị trí địa lý: Phía đông của xã giáp xã Nam sơn, Phía nam giáp xã Nậm Khoà, phía bắc giáp xã Bản Luốc và phía tây giáp xã Quảng Nguyên và Thu Tà của huyện Xín Mần. Độ cao trung bình của xã so với mực nước biển là 952 m trong đó có đỉnh núi cao nhất khu vực là ngọn Chiêu Lầu Thi (2.402m).

Toàn xã chia thành 8 thôn bản là: Tân Phong, Hố Sán, Quang Vinh, Tân Minh, Chiến Thắng, Trung Thành, Tân Thành, Đoàn Kết. Toàn xã nằm trọn trong khu vực núi cao nên địa hình của xã có độ dốc lớn, bị nhiều con suối chia cắt với tổng diện tích là 2.500 ha, trong đó chủ yếu là đất rừng chiếm 1.450 ha còn lại là đất nông nghiệp chiếm 500 ha và các loại đất chuyên dụng khác.

Đặc điểm địa hình.

Địa hình xã Hồ Thầu nằm trên thượng nguồn sông chảy  với những nhánh suối nhỏ bắt nguồn từ ngọn Chiêu Lầu Thi. Đất đai ở đây rất phù hợp với những loại cây có giá trị kinh tế cao như: Chè san tuyết, thảo quả, đậu tương và các loại cây ăn quả như lê, mận, đào, các loại dược liệu quý như ấu tẩu, xuyên khung, thảo  quả, lan kim tuyến… Tuy nhiên do địa hình bị chia cắt mạnh bởi nhiều con suối đầu nguồn sông chảy nên giao thông ở đây đi lại rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau kèm theo hạn hán và rét đậm kéo dài, thỉnh thoảng có mưu tuyết nên đây là một trong những trở ngại lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thành phần dân tộc và dân số:

Trước đây toàn xã chỉ có dân tộc Dao cư trú nhưng thời gian gần đây đã có sự sinh sống xen kẽ của 05 dân tộc là: Dao, Mông, Nùng, Kinh, Tày, trong đó dân tộc Dao chiếm thành phần chủ yếu trong tổng số 410 hộ 2.172 khẩu của toàn xã với cơ cấu: Dao 335 hộ và 1.826 nhân khẩu; Mông: 34 hộ và 147 nhân khẩu, Nùng: 26 hộ 125 nhân khẩu, còn lại là 2 dân tộc Kinh và Tày chiếm tỷ lệ nhỏ (15 hộ, 70 nhân khẩu).

Người Dao xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì thuộc nhóm Dao đỏ (Dao đại bản), theo các tài liệu ghi chép, đặc biệt là các chi tiết từ 2 các cuốn sách cổ của dòng họ Triệu do ông Triệu Chòi Hín thôn Tân Phong xã Hồ Thầu thì đây là một bộ phận trong 12 dòng họ Dao từ Quảng Đông - Trung Quốc di cư đến sinh sống từ khoảng năm 1870. Còn lại một số gia đình dân tộc Nùng và dân tộc Mông thì mới đến cư trú tại địa bàn xã trong thời gian vài chục năm trở lại đây.

Đặc trưng văn hoá, kinh tế xã hội.

Trong đời sống và quan hệ cộng đồng trước kia của người dân xã Hồ Thầu chủ yếu điều hành xã hội theo phương thức tự quản, trong đó Thầy cúng là người có uy tín được nhân dân nể trọng do biết cúng bái, am hiểu các phong tục tập quán nắm vững lai lịch và mối quan hệ họ hàng của dân làng, công tâm khi tham gia xét xử các vụ vi phạm luật tục của mọi thành viên trong cộng đồng.

Xa xưa, người Dao đỏ xã Hồ Thầu chủ yếu làm nương rẫy, trồng và chế biến chè, cách đây khoảng vài trăm năm, người Dao đỏ xã Hồ Thầu đã dần chuyển sang trồng lúa nước với sự hỗ trợ của một số công cụ sản  xuất đã được cải tiến phù hợp. Đặc biệt họ đã biết dùng phân để bón ruộng, coi trọng hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu, cải tiến cơ cấu giống cây trồng, đầu tư khai thác các thế mạnh về vườn rừng như: trồng và chế biến chè san tuyết, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng thảo quả, dược liệu…Vì vậy hiện nay đời sống kinh tế đã tương đối ổn định, năm 2014 toàn xã có 66 hộ khá chiếm 16,7%, 204 hộ trung bình chiếm 51,65%, 38 hộ cạn nghèo chiếm 9,6% và 87 hộ nghèo chiếm 22%. Mức lương thực bình quân đầu người đạt 524 kg lương thực/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 10,6 triệu đồng/năm.

Xã Hồ Thầu vốn là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, tổ chức Đảng cộng sản đã ở đây được thành lập (Ngày 01/7/1949) với 6 đảng viên làm nòng cốt trong quá trình xây dựng căn cứ cách mạng và củng cố lực lượng cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện tiến hành giải phóng huyện Hoàng Su Phì, từng bước khôi phục và duy trì vững chắc sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nhiều năm liền là địa phương lá cờ đầu trên mọi lĩnh vực của huyện Hoàng Su Phì. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng và sản sinh nhiều người đã và đang nắm giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tiêu biểu là ông Triệu Đức Thanh - nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Phượng Quầy Phin - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên TW Đảng Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cùng nhiều người đã và đang tham gia giữ các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, lãnh đạo các sở ngành của tỉnh Hà Giang.
 
Thông tin về lãnh đạo xã.
 
TT Họ, tên Chức danh Điện thoại liên hệ
1 Triệu Sành Quấy Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND 0124 767 8477
2 Triệu Chòi Phú Phó bí thư Trường trực Đảng ủy 01272 789 266
3 Triệu Chòi Nhàn Phó chủ tịch HĐND 0946 657 623
4 Trương Công Định Phó bí thư - Chủ tịch UBND xã 0989 749 077
5 Phượng Chàn  Nu Phó chủ tịch UBND xã 01685 680 283
6 Phạm Văn Hoàn Phó chủ tịch UBND xã 0914 904 889
 

Tin khác

Liên kết website