Văn hóa - Du lịch

Lễ hội Quỹa Hiéng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Dao đỏ xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì

29/07/2015 00:00 612 lượt xem

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có Lễ hội Quỹa Hiéng (Tức Lễ hội qua năm) của người Dao đỏ xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì.
Lễ hội Quỹa Hiéng bắt nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp sơ khai và tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Dao đỏ xã Hồ Thầu, dần dần theo thời gian nó được định hình trên cơ sở sự giao thoa tiếp biến với những nền văn hoá của các dân tộc khác. Nó cũng tồn tại với quá trình lịch sử phát triển của cộng đồng người Dao đỏ xã Hồ Thầu gắn liền với đời sống tâm linh tinh thần của họ. Theo định kỳ thường niên, lễ hội Quỹa Hiéng được tổ chức tại nhà các trưởng tộc trưởng họ như một dịp để củng cố tinh thần cố kết cộng đồng hướng về cội nguồn của người Dao đỏ.
1. Địa điểm, thời gian tổ chức.
Lễ hội Quỹa Hiéng hay còn gọi là lễ hội qua năm của người Dao đỏ xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì được tổ chức tại các gia đình người Dao đỏ vào dịp cuối năm âm lịch hàng năm nhưng lễ cúng tại gia đình các trưởng tộc trưởng họ hoặc các thầy cúng là lớn hơn cả.
Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ  ngày 27 tháng 12 âm lịch, các trưởng tộc trưởng họ đã cho con cháu chuẩn bị lương thực thực phẩm phục vụ cho các hoạt động nghi lễ và ăn uống trong lễ hội. Trong đó ngoài những vật phẩm thường thấy trong ngày tết như: Bánh trưng (Dùa pêu) bánh dầy (Dùa chông), thịt lợn, thịt gà thì người Dao còn tổ chức đi săn bắn thú rừng đánh cá suối để làm thức ăn.Tuy nhiên trong phần  nghi  lễ  của lễ hội Quỹa Hiéng thì vật phẩm được dâng cúng chỉ gồm và buộc phải có các loại như: cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc  màu trắng, hương, vòng  bạc, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến.
Phần nghi lễ của lễ hội được tiến hành vào ngày cuối cùng của năm cũ tại gian giữa của gia đình. Khi đó người ta tập hợp anh em con cháu trong dòng họ và mời một số bạn bè thân thiết, các chức sắc của địa phương đến dự lễ.
(Các hộ gia đình trong thôn tới dự Lễ hội)
2. Lập đàn tế lễ.
Trước hết, người chủ tế và gia đình lập 3 đàn lễ gọi là: Bứa Hiéng; Sáng Chà Phin; Sám Háng, trong đó đàn lễ Bứa Hiéng (tức bàn thờ tổ tiên tông tộc). Được lập ở ngay bên dưới bàn thờ tổ tiên, thường làm bằng một chiếc bàn cao 1,5m rộng khoảng 60 x 60 cm phía trước hoặc bên cạnh có dán hình bát quái màu vàng (Những nhà không có bàn thì làm bằng chiếc bục đan bằng tre hoặc nứa). Lễ vật gồm: một con gà luộc cắt bỏ bộ lòng, một chén nước suối, 5 chén rượu, giấy bản, hai ống hương làm bằng hai đoạn ống cây vầu, một bát gạo được túm trong một mảnh vải mộc màu trắng, một chiếc đèn hoặc một cây nến.
Đàn lễ thứ 2 được lập lui về phía trước bên trái đàn thứ nhất gọi là Sáng chà phin (tức đàn cúng thế giới thần linh và các ma là tổ tiên của nghề thầy cúng gọi là Sài Tía). Đàn này cũng được làm bằng chiếc bàn cao khoảng 80 cm rộng 80 x80 cm, lễ vật gồm: một con gà luộc đã cắt bỏ bộ lòng, một chén nước suối, 5 chén rượu, 1 ống hương làm bằng một đoạn ống cây vầu, giấy bản và 3 bát gạo trên có đặt một chiếc vòng cổ bằng bạc, một chiếc đèn hoặc một cây nến.
 Đàn lễ thứ 3 gọi là Sám háng tức là mâm cúng các ma là linh hồn của những người khi sống không nhà không cửa. Lễ vật cúng gồm: 5 chén nước, 5 chén rượu, 5 chén cơm (loại chén uống nước, trên mỗi  chén có cắm một đôi đũa bằng tre), một con gà luộc được cắt bỏ bộ lòng, một chiếc đèn hoặc một cây nến và một bát gạo gói trong một mảnh vải mộc màu trắng phía trên có để một chiếc vòng tay bằng bạc. Đàn lễ này có chiều cao 30cm, rộng 80 x 80 cm (thường được làm bằng chiếc mâm gỗ) được lập phía trước bên tay phải bàn thờ tổ tiên và quay mặt về phía trái tạo thành một góc vuông 900..
3. Thầy cúng và trang phục, dụng cụ khi hành lễ.
Trong lễ hội Quỹa Hiéng, thầy cúng (tức sài ông) được coi như người điều hành buổi lễ và quyết định sự thành công của cả lễ hội nên việc mời thầy cúng luôn được coi là việc làm hết sức quan trọng. Việc mời thầy cúng thường được tiến hành trước buổi lễ chừng 3-4 ngày, đồng thời gia chủ cũng thông báo luôn vị trí các thầy cúng trong khi tế lễ để họ có sự chuẩn bị về trang phục và dụng cụ khi hành lễ.
Đúng ngày giờ đã chọn các thầy cúng đã được mời tự đến nơi diễn ra lễ hội. Trước khi đi họ phải thắp hương xin phép tổ tiên (tức Chà phin) và các thần ma là ông tổ của nghề thầy cúng (Sài Tía). Ngoài trang phục được may theo một mẫu chung, đó là áo dài mầu đỏ sặc sỡ, chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ hình tam giác được thêu nhiều hoạ tiết và dây buộc cùng nhiều tua màu đỏ và màu trắng thì mỗi thầy cúng còn phải cầm theo 2 mảnh sừng trâu hoặc mảnh gỗ  dài 7- 8 cm một đầu to một đầu nhỏ, một mặt phẳng một mặt khum (gọi là Cháo) để xin âm dương. Ngoài ra thầy cúng ở đàn cúng Sám Háng còn phải mang theo một chiếc tù và bằng sừng trâu (ngùng chong), một chiếc chuông nhạc (Mu lình), một cuốn sách cúng viết bằng chữ Nôm – Dao và 2 chiếc chũm choẹ bằng đồng (Chiào Chiấy) dùng để hành lễ. Còn các dụng cụ khác phục vụ cho việc vui chơi nhảy múa và hoạt động của lễ hội như: Trống (dồ nóng) chuông nhạc (Mu lình)… Thì do chủ nhà chuẩn bị.
Khi đến nơi, các thầy cúng cùng nhau cắt giấy bản và sắp lễ theo các vị trí đã định sẵn trong khi anh em con cháu trong gia đình chuẩn bị đồ ăn thức uống cho bữa tiệc sau buổi lễ. Đồng thời chủ nhà chọn ra một số nam, nữ để chuẩn bị cùng nhau tham gia hành lễ với thầy cúng trong vai trò người phụ lễ.
4. Các tiến trình nghi lễ.
Sau khi cả 3 đàn lễ được sắp xong thì nghi lễ được tiến hành, phần này thường bắt đầu vào thời gian khoảng 9 giờ sáng. Nếu mời nhiều thầy cúng thì nghi lễ được tiến hành cùng một lúc, ngược lại nếu chỉ có một thầy cúng thì nghi lễ được bắt đầu từ đàn cúng Bứa Hiéng, sau đó là đàn cúng Sáng Chà Phin và cuối cùng là đàn cúng Sám háng. Tuy nhiên hầu hết các lễ hội Quỹa Hiéng đều có sự tham gia của ít nhất 2 thầy cúng trở lên.
Ở đàn cúng Bứa hiéng, khi cúng người thầy cúng thắp đèn, rót rượu và đốt 6 hoặc 10 nén hương rồi chia đều cắm vào 2 ống hương sau đó vái lạy ba lần và bắt đầu cúng bài cúng bằng tiếng Nôm - Dao với nội dung nhắc lại quá trình hình thành các dân tộc và các tộc họ người Dao cũng như quá trình thiên di sang Việt Nam sinh sống và tồn tại đến nay. Trước khi kết thúc bài cúng (thường kéo dài khoảng 45 – 60 phút) thì thầy cúng dùng hai mảnh sừng trâu (Cháo) để xin âm dương, nếu một mảnh sấp một mảnh ngửa thì lễ vật đã được chấp nhận, nếu hai mảnh đều sấp hoặc đều ngửa là chưa được thì phải tiếp tục cúng đến khi xin âm đương được mới thôi. Khi đó bài cúng kết thúc.
Ở đàn cúng Sáng Chà Phin, trước khi cúng thầy cúng thắp đèn đốt 6 nén hương và chia đều cắm vào hai ống hương, sau đó rót rượu vào 5 chiếc chén rồi bắt đầu bài cúng bằng tiếng Nôm – Dao trong đó có chi tiết kể về công ơn của ba anh em là Duồn Sỉ, Lềnh Pú, Tù Tá là những người đã có công giúp người Dao chống lại ma tà quỷ dữ… bảo vệ cuộc sống. Sau khi thác về trời đã được phong thần nên được coi như ông tổ của người Dao và được xếp ngang hàng với tổ tiên.
Trước khi kết thúc bài cúng, thầy cúng gieo quẻ bằng hai mảnh sừng trâu, nếu một mảnh sấp một mảnh ngửa là lễ vật đã được chấp nhận. Lúc này thầy cúng đốt số giấy bản trên mâm và bài cúng đã xong.
Cũng giống như hai đàn cúng trên, ở đàn cúng Sám háng trước khi hành lễ thầy cúng thắp đèn, đốt ba nén hương và rót rượu ra chén, sau đó mở đầu bài cúng bằng việc nhắc lại chi tiết Phụ Hỡi và Chới Mủi sinh ra loài người và lập nên vũ trụ, sau đó thổi một hồi tù và mời tất cả các loại ma (Miến) của dòng tộc (là ma của những người chết từ đời thứ 3 trở lại) cùng các loại ma chúng sinh không nhà không cửa đến dự lễ, đồng thời mời các ma là tổ tiên của nghề thầy cúng đến giúp thầy cúng vận chuyển đồ lễ về cõi âm sau đó biến hoá sinh sôi để các ma dưới cõi âm tích trữ sử dụng đủ trong cả năm mà không về quấy nhiễu con cháu. Tiếp theo thầy cúng gieo quẻ, nếu được thì quay ra gọi số nam nữ đã được chọn sẵn vào dâng các chén cơm, chén rượu, chén nước mời tổ tiên rồi cúng khấn với nội dung cầu mong các thần ma phù hộ cho con cháu làm ăn gặp nhiều may mắn, sau đó tiếp tục gieo quẻ đến khi được mới thôi. Khi đó thầy cúng vứt cuốn sách cúng xuống đất và tuyên bố với các thần ma rằng lễ cúng đã xong, từ nay đừng đến làm phiền gia chủ nữa. Sau đó đốt số giấy bản trên đàn cúng rồi cầm cuốn sách cúng vứt xuống đất và thổi một hồi tù và với ý tiễn biệt các ma về cõi âm là xong.
Trong tất cả các lễ hội, phần nghi lễ này thường khá dài, nếu chỉ có một thầy cúng thì có khi dài tới 4-5 giờ đồng hồ. Sau đó hai đàn lễ Sáng ­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­chà phin và Sám háng được dọn đi, còn đàn lễ Bứa Hiéng được duy trì đến khi hết hội mới thôi, những lễ vật có trên mâm cúng được bổ sung phục vụ cho việc ăn uống được tổ chức ngay sau đó.
5. Các trò hội.
Sau khi kết thúc các nghi thức cúng tế, mọi người tham gia vào các trò hội như ăn uống, tiệc tùng, hát giao duyên, thi tài sử dụng nhạc cụ và các trò chơi dân gian như: Vật chày, nhảy lửa, bói lồng gà... nhiều khi thâu đêm suốt sáng mới thôi.

(Trò chơi Nhảy lửa trong Lễ hội  Quỹa Hiéng)


(Trò chơi Vật chày trong Lễ hội  Quỹa Hiéng)

Tin khác

Liên kết website