Văn hóa - Du lịch

Lễ cúng thần rừng của dân tộc Nùng xã Pố Lồ

22/04/2015 00:00 972 lượt xem

Lễ cúng Thần rừng xã Pố Lồ là lễ thức dân gian của cộng đồng dân tộc Nùng xã Pố Lồ được tổ chức vào tháng giêng hoặc tháng hai âm lịch hàng năm tại rừng cấm của thôn Pố Lồ xã Pố Lồ huyện Hoàng Su Phì.
Theo truyền thống của dân tộc Tày, Nùng của huyện Hoàng Su Phì, tại mỗi thôn bản bao giờ cũng có ít nhất một khu rừng được khoanh vùng để làm rừng cấm lập miếu thờ của cộng đồng. Lễ cúng thần rừng thường được tổ chức vào hai hoặc tháng tháng ba âm lịch hàng năm, đây là một trong những huyền tích về nhân vật Hoàng Vần Thùng (Tức Hoàng Văn Đồng - là thổ tù địa phương trấn ải vùng biên giới của châu Vị Xuyên thời hậu Lê, bao gồm cả vùng đất của các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần ngày nay), song dị bản về Hoàng Vần Thùng có một số khác biệt với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn. Tương truyền xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì sống yên bình tại các sườn núi thuộc hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Một hôm, vua phương Bắc sai quân đến xâm lược nhằm chiếm đất đai của cải của các gia đình người Nùng. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc họ người Nùng bị thua trận nên phải mang theo của cải, lợn gà và trâu bò rút vào các khu rừng rậm để chiến đấu cầm cự với giặc. Do bị quân dịch vây hãm nhiều ngày nên thiếu nước uống khiến cho nhiều người và gia súc bị chết. Đúng lúc ấy, thủ lĩnh của các tộc họ người Nùng là Hoàng Vần Thùng bị lâm bệnh và chết, để tỏ lòng thương tiếc, các thanh niên trai tráng giết trâu lấy thịt, lấy tiết trâu thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế. Được sự trợ giúp của Hạn Hung (vua trời), các trai tráng đã trừ được giặc đem lại cuộc sống yên bình cho các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp là nơi linh thiêng để lập miếu thờ, tôn làm thần rừng và hàng năm đều tổ chức cúng tế vào dịp tháng hai hoặc tháng ba âm lịch, về thời gian cụ thể thì tùy theo mỗi thôn bản có thể chọn ngày khác nhau để tổ chức. Trải qua nhiều năm tháng tục lệ này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Để chuẩn bị cho lễ cúng thần rừng, trước đó khoảng 1 ngày, các hộ gia đình trong toàn xã mỗi nhà cử một người nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm để đóng góp với buổi lễ, việc đóng góp này là hoàn toàn do các gia đình tự nguyện nên không cần phải cân đong, đo đếm. Một nguyên tắc bất thành văn đó là chỉ có nam giới mới được tham dự và trong quá trình tổ chức nghi lễ thì tất cả mọi người đều không được nói tục chửi bậy hoặc đi vệ sinh tùy tiện.

Trong các vật phẩm thì có một số lễ vật không thể thiếu được đó là một con trâu, một con lợn từ 50 kg trở lên, 04 con gà trống sắp trên 4 đàn lễ, rượu ngọt – tức rượu hoẵng, cơm xôi đỏ - tượng trưng cho món đồ cúng được nấu từ gạo và tiết trâu mà dân làng đã cúng khi Hoàng Vần Thùng mới mất. Ngoài ra còn có hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm hoặc giấy dó. Các lễ vật được bày trên 4 đàn lễ gồm: Đàn lễ cúng Hoàng Vần Thùng và 3 đàn lễ cúng các cận thần của Hoàng Vần Thùng là ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều. Sau khi tiến hành các nghi thức cúng mang tính bắt buộc là: Nhập đàn, cầu phúc cầu lộc, nhận lễ sống, nhận lễ chín, tiễn Thần rừng xa giá về Cản Nhủng thì số thịt trâu được dành một ít để chế biến đồ lễ và làm thức ăn sau khi tế lễ, số còn lại được chia đều thành các phần nhỏ cho mỗi gia đình phải được một ít, sau khi nhận số thịt này, các gia đình đem về làm lễ vật để tiếp tục cúng thần nông tại khoảng sàn phơi thóc (Tức khoảng sân bằng liếp) ngay trước gian giữa. Toàn bộ số lễ vật còn lại được chế biến và ăn uống ngay tại khu rừng cấm.

Trong lễ thức cúng thần rừng của dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì cũng như các bài cúng cho thấy ẩn chứa những di vết của việc thần thánh hóa các nhân vật lịch sử và được pha trộn giao thoa với tín ngưỡng nông nghiệp canh tác nương dẫy của người dân bản địa. Bên cạnh đó, xét về khía cạnh lịch sử thì lễ cúng thần rừng chính là pho tài liệu quý báu về tinh thần cố kết cộng đồng của các tộc họ người Tày - Nùng huyện Hoàng Su Phì.

Tin khác

Liên kết website