Chiến lược phát triển kinh tế

Hoàng Su Phì: Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho lao động

18/11/2019 00:00 208 lượt xem

Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Ông Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch huyện cho biết: Trước đây, công tác giải quyết việc làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn do tâm lý người dân ngại đi làm xa. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có một vài doanh nghiệp nhỏ nên nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm rất ít. Ðể tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, những năm qua, huyện luôn nỗ lực tìm hướng đi phù hợp, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Dạy nghề, phát triển nghề truyền thống, các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay các nguồn vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế…

Trong 10 tháng đầu năm 2019, huyện Hoàng Su Phì đã giải quyết việc làm mới cho gần 1.600 lao động, tương đương 93% kế hoạch của cả năm. Ðể có được kết quả như vậy, ngay từ đầu năm, huyện tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù của từng xã, thị trấn; điều tra cung - cầu lao động của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác lao động, giải quyết việc làm. Ðồng thời, tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về các nội dung hỗ trợ người lao động trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động và vay vốn phát triển kinh tế gia đình. UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chủ động nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, gắn đào tạo với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã đạt được kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 800 lao động làm việc ngoại tỉnh; 745 lao động thông qua đào tạo nghề tại địa phương và 42 lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Đến với xã biên giới Thàng Tín, một trong 4 xã biên giới khó khăn của huyện Hoàng Su Phì, toàn xã có gần 400 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu. Những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được coi là giải pháp hiệu quả trong mục tiêu giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo ở xã Thàng Tín huyện Hoàng Su Phì. Đây là động lực để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, chính quyền xã đã chủ động phối hợp, tạo điều kiện để người lao động tìm hiểu được các thông tin về việc làm, cũng như những thị trường lao động tiềm năng. Đến nay, toàn xã Thàng Tín có gần 100 lao động hiện đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình nghèo tại xã Thàng Tín đã có mức sống tăng lên rõ rệt. Chị Cáo Thị Liên có chồng là anh Lù Seo Đại đang làm công nhân cho công ty Than Uông Bí, mỗi tháng gửi về nhà hơn 20 triệu đồng, nhờ số tiền này mà gia đình đang làm một ngôi nhà sàn lớn. Cũng từ số tiền gửi về của anh Lù Văn Bình, hiện đang đi lao động ở Quảng Ninh gửi về mà vợ của anh là chị Lù Thị San, thôn Tả Chải đang xây dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang.

Nhờ có người đi lao động ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình trong xã Thàng Tín đã thoát khỏi hộ nghèo. Có thể nói, xuất khẩu lao động là cơ hội để người lao động có thu nhập cao. Đây là một trong những hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở xã Thàng Tín.

Sau mỗi vụ thu hoạch nông sản, các thanh niên trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện lại bắt đầu di chuyển dần về những tỉnh vùng xuôi, tìm đến các khu công nghiệp, nhưng công ty, tập đoàn lớn có nhu cầu về lao động để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Không chỉ lao động trong nước, nhiều chị em đã tìm đến với các công ty xuất khẩu lao động để đi lao động ở các thị trường mới như chị Lò Mùi Khé và chị Lò Mùi Tá, ở thôn Sơn Thành Hạ, xã Nậm Khòa. Năm 2017, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, được Phòng lao động thương binh và xã hội huyện, phối với với một số công ty xuất khẩu lao động tư vấn cũng như đào tạo nghề để đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, sau 2 năm trở về địa phương, giờ mỗi chị đã có hơn 2 trăm triệu để làm vốn sản xuất.

Nhờ có người đi xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình trong xã Nậm Khòa đã xây dựng nhà cửa to đẹp và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thay đổi cuộc sống thoát khỏi hộ nghèo, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao, bộ mặt làng quê có nhiều thay đổi, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Không chỉ 2 xã kể trên, các xã, thị trấn trong huyện đều đề cao trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, huyện ta cũng chú trọng liên kết đào tạo, cung cấp nguồn lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Hàng năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng nhiều đơn vị tổ chức hội chợ việc làm thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn tham gia tìm hiểu, phỏng vấn, ứng tuyển.

Ðể công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới huyện Hoàng Su Phì tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chính sách của Nhà nước và của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia xuất khẩu lao động.


Tin khác

Liên kết website