Văn hóa - Du lịch

Hát đối đáp (Páo dung) - nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì

28/06/2016 00:00 351 lượt xem

Hát đối đáp (Páo dung) là một trong những sinh hoạt phổ biến nhất của cộng đồng người Dao huyện Hoàng Su Phì. Trong cộng đồng người Dao nói chung từ người trẻ đến người già hầu hết đều biết hát và sáng tác thơ ca. Họ có thể hát vào bất cứ thời gian nào nhưng nhiếu nhất là vào những dịp lễ tết, đám cưới, trong buổi chợ phiên…

Hát đối đáp thường có nhiều người tham gia nhưng thường là một bên nam, một bên nữ hoặc tối thiểu là một nam một nữ. Tuy nhiên đối với những thể loại hát giao duyên thì những người cùng dòng họ thường không hát với nhau vì bên cạnh việc thi tài đối đáp thì đây cũng là dịp trai gái làm quen nhau tìm hiểu nhau. Hát Páo Dung có đặc điểm là người tham gia phải biết giao tiếp bằng lời ca và có đủ khả năng để hát vì bên cạnh người hát còn có nhiều người nghe và bình luận, qua đó khẳng định tài năng của người hát.

 

Người Dao huyện Hoàng Su Phì thường quan niệm rằng các kỳ lễ tết, nhất là trong Lễ hội Quyã hiéng hoặc trong các đám cưới hỏi sinh hoạt văn hoá tinh thần khác là một trong những dịp để mọi người cùng nhau chia sẻ niềm vui, vì vậy lễ hội này cũng thu hút được rất đông người ở các làng khác đặc biệt là tầng lớp thanh niên đến tham gia hát, nhất là vào những buổi tối hoặc sau khi tàn mâm rượu. Khi đó người ta tổ chức hát ngay bên bếp lửa hoặc bên mâm rượu. Nội dung của bài hát thường khá phong phú đề cập đến mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày với những ý tứ bay bổng sâu xa, đặc biệt là những bài hát về đề tài tình yêu nam nữ.

 

Ví dụ:

Để tỏ tình thì người con trai thường hát:

                                                    Mưa rơi xuống đất tụ thành sông

                                                    Kết tình chưa lâu trời đã sáng

                                                    Lại sắp xa nhau ở cách làng

 

Để thay lời chào thì khách thường hát:

Vào rừng đốn cây động đến đất

              Xuống nước chèo thuyền động đến sông

Vào làng ca hát động làng xóm

      Náo động người già ngủ yên không

                                               Và chủ nhà thường đáp lại:

        Vào rừng đốn cây không động đất

            Xuống nước bơi thuyền yên bến sông

Vào làng ca hát vui hàng xóm

    Cả già lẫn trẻ kéo nghe đông…

 

Đối với những đôi trai gái vì duyên phận không lấy được nhau thì họ tâm sự qua lời hát:

                                                     Cây tốt không đến ta làm nhà

                                                     Người đẹp không đến ta làm vợ

                                                     Đất tốt không đến ta trình tường

                                                     Người đẹp không đến ta làm chồng...

 

Cứ như vậy, các đôi trai gái lời qua tiếng lại trao nhau tình cảm bằng câu hát. Nhiều khi bếp lửa không đủ chỗ cho các đôi trai gái thì họ kéo nhau ra những vạt đồi thửa ruộng mới gặt sau nhà để hát và dùng đèn pin làm tín hiệu để tỏ tình.

 

Hát đối đáp còn có một hình thức khác giống như hát đố. Khi hát sẽ chia thành 2 nhóm, mỗi bên sẽ cử ra một người đại diện để hát, số còn lại sẽ cùng nhau ứng tác giúp soạn lời theo dạng câu đố để bên kia trả lời bằng câu hát, đồng thời ra câu đố ngược trở lại. Hát đối theo cách này thường có bên thua bên thắng khi đó bên thua thường bị phạt bằng cách phải uống một hoặc 2 chén rượu. Trong trường hợp bị thua nhiều thì họ phải nhờ đến một người thông thạo về thơ ca để giúp soạn lời sau đó tự mình trình bày bằng hát. Vì vậy nhiều khi người soạn lời hát lại được đối phương quan tâm và tập chung trí tuệ để công kích nhiều hơn làm cho cuộc vui càng trở nên hấp dẫn.Những cuộc hát đối như vậy thường được tổ chức thâu đêm suốt sáng hoặc kéo dài vài 3 đêm liền mà chưa phân thắng bại.

 

Ngày nay, mặc dù hoạt động giao thoa văn hóa diễn ra mạnh nhưng hát đối đáp vẫn được cộng đồng người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì sử dụng trong các dịp lễ tết hội hè. Đây là một nét đẹp văn hóa độc đáo và là nguồn tài nguyên quý để phục vụ sự nghiệp du lịch đang trên đà phát triển của huyện Hoàng Su Phì.


Tin khác

Liên kết website