Di tích, danh thắng

Di tích lịch sử văn hóa Đền Suối Thầu xã Bản Luốc

25/07/2014 00:00 609 lượt xem

Đền Suối Thầu xã Bản Luốc cùng với đền Vinh Quang là một trong hai ngôi đền hiếm hoi được xây dựng trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang 16km. Đền tọa lạc trên sườn một quả núi thuộc thôn Suôi Thầu xã Bản Luốc với tổng diện tích xây dựng là 47m2, xung quanh có những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn uốn lượn thuộc khu vực vùng lõi của danh thắng di tích Quốc gia ruộng bậc thang của xã Bản Luốc.

Truyền thuyết kể rằng: Vào thời điểm trước khi xây dựng đền, tại khu vực thôn Suối Thầu lúc đó có một nhóm hộ gia đình dân tộc Dao áo dài (còn gọi là Dao Tiểu bản) từ thôn Bản Luốc của xã Bản Luốc hiện nay đến lập nghiệp. Khi đó, rừng núi còn hoang vu, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, do bệnh tật, sâu bọ phá hoại mùa màng, dã thú hoành hành… Quan trấn thủ địa phương lúc đó là ông Đặng Minh Đông (bí danh Đặng Diễn) đã cho người tìm thầy cúng, thợ, nghệ nhân xây dựng đền và đắp 13 pho tượng thờ các thần linh, cầu cho nhân dân sức khoẻ, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, tai qua nạn khỏi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, cùng với việc dựng đền đắp tượng, ông Đặng Minh Đông còn hướng dẫn các gia đình người Dao khai hoang làm ruộng bậc thang trồng lúa nước và làm nương dẫy, vì vậy đời sống của các hộ gia đình dần ổn định. Sau khi ông mất, nhân dân trong làng vô cùng tiếc thương, để ghi nhớ công ơn bà con đã đắp thêm pho tượng ông và lập bát hương đưa vào thờ tại đền.
Từ khi được xây dựng đến nay, đền đã qua nhiều lần trùng tu song vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu. Hiện nay trong đền còn giữ được cây xà nóc (thượng nương), ngoài hai chữ Phúc và chữ Lộc bằng chữ Hán ở hai đầu, cây xà nóc còn ghi năm xây dựng ngôi đền, phiên âm như sau:

"Đại Nam quốc, Minh Mệnh tam niên Tuế, thứ Nhâm Ngọ mạnh đông nguyệt, hoàng đạo nhật lập vị..."
Dịch nghĩa: Nước Đại Nam, vào năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822), ngày tốt lập nên...

Đền có tổng diện tích xây dựng trên 70m2 gồm các hạng mục: Đền và bếp. Qua lời kể của các cụ cao tuổi và các tài liệu còn ghi chép được thì ngôi đền xưa kia tường thưng bằng gỗ, có các hàng chân cột, vì, sà làm bằng gỗ, mái lợp gianh. Trải qua thời gian cũng như biến cố lịch sử nên ngôi đền đã bị hư hỏng và sửa chữa nhiều lần. Năm 2006, nhân dân trong vùng đã trùng tu tôn tạo lại đền trên nền đất cũ, chất liệu chủ yếu bằng đất, gỗ và gạch, gồm có 1 gian với tộng diện tích 33m2, dài 7,5m, rộng 4,4m. Đền có kiến trúc chữ nhất, phía trong có ban thờ đắp bằng đất, phía trên có 14 pho tượng gồm:
+ Tượng bên phải (nhìn từ trong ra) là Ngọc Hoàng (Nhùi Vương – tiếng dân tộc Dao), đầu đội mũ bình thiên, mắt mở to, sống mũi thẳng, miệng tươi cười, mặt đỏ, mặc áo hoàng bào màu vàng, hai tay để trong lòng bụng đỡ gương thần soi chúng sinh. Tượng trong tư thế ngồi trên ngai vàng, cao 1m;
+ Tượng bên trái (trong nhìn ra) là Diêm Vương, đầu đội mũ, lông mày rậm, mắt mở to, sống mũi thẳng, khuôn mặt hồng, áo màu đỏ, xanh và đen, tay phải để úp trên đầu gối, tay trái để ngửa trên đầu gối. Tượng trong tư thế ngồi, cao 95cm.
+ Tượng Ngọc Nữ (đứng bên phải cạnh Ngọc Hoàng), tóc búi tó hai bên, mắt mở to, miệng tươi cười, mặc áo màu xanh, 2 tay dâng tấu sớ trước ngực. Tượng trong tư thế đứng, cao 30cm.
+ Tượng Kim Đồng (đứng bên trái cạnh Diêm Vương), mắt mở to, miệng tươi cười, sống mũi thẳng, mặc áo màu đỏ, xanh, hai tay dâng tấu sớ trước ngực. Tượng trong tư thế đứng, cao 30cm.
+ Ban thờ góc trong bên trái (trong nhìn ra) có 3 pho tượng (tượng Quan Thế Âm toạ ở giữa và 2 tượng hầu cận):
- Tượng Quan Thế Âm, đầu đội bảo quan, mặt trái soan, mắt mở to, sống mũi thẳng, miệng hé mở, tay phải đặt trên đầu gối, tay trái cầm lọ cam lồ trước bụng, chân trái khoanh tròn, chân phải để chống. Tượng cao 70cm, toạ trên ban thờ (cao 30cm, dài 70cm, rộng 55cm), phía trước của ban thờ được gắn ngói mũi hài tạo thành cánh sen màu đỏ.
- Tượng Thiện Tài Đồng Tử, cắt tóc ngắn, mắt mở to, sống mũi thẳng, miệng tươi cười, hai tay chắp trước ngực, mặc áo đỏ, quần xanh. Tượng trong tư thế đứng, cao 35cm.
+ Tượng Thiện Tài Long Nữ, tóc để dài chấm vai, mắt mở to, sống mũi thẳng, miệng hé mở, hai tay chắp trước bụng, mặc áo màu xanh, quần đỏ. Tượng trong tư thế đứng, cao 40cm.
+ Ban thờ góc trong bên phải (nhìn từ trong ra) có 3 pho tượng:
- Tượng thần Sấm Sét (Lôi Thần), có khuôn mặt đen dữ tợn, đầu đội mũ, mắt mở trắng, mũi to, miệng như đang quát tháo, mặc quần áo xanh, cổ áo và đai lưng màu đỏ, tay phải cầm 1 cây huyền trượng giơ ngang vai, tay trái cầm 1 lệnh bài từa tựa thánh giá ngang bụng. Tượng trong tư thế cưỡi mây, cao 81cm.
- Hai tượng hầu cận Lôi Thần đứng 2 bên. Tượng bên trái đầu đội mũ, mắt mở to, miệng hé mở, mặc quần áo xanh, cổ áo và viền ống tay màu vàng đỏ, tay phải cầm cây truỳ, tay trái đặt ngang bụng; tượng bên phải đầu đội mũ, mắt mở to, mặt trái xoan, sống mãi thẳng, mặc áo đỏ, cổ áo viên xanh, quần màu đen đỏ, 2 tay chắp trước ngực. Tượng cao 65cm.
+ Phía ngoài của ban thờ thần Sấm Sét là ban thờ và tượng thần thổ Địa và ông Đặng Minh Đông. Thần Thổ Địa toạ trên bệ, đầu đội mũ, mắt nhìn xuống, mặt đen, miệng tươi cười, mặc áo màu xanh, cổ áo và ống tay áo được viền màu vàng, xanh, đen, quần màu vàng, tay trái đặt úp trên gối, tay phải cầm đính bạc để ngửa trên gối.
+ Đối diện với ban thờ Thổ Địa, ông Đặng Minh Đông là ban thờ Quan Âm và Mẫu. Phía ngoài là tượng Quan Âm ngồi trên lưng hổ, đội bảo quan, mắt mở to, mặt trái xoan, tai vểnh về phía trước, sống mũi thẳng, tay trái để áp vào lòng bụng, tay phải đặt úp lên gối phải, mặc thiên y màu xanh, đỏ, vàng, diên mạo rất đoan nghiêm. Toạ bên cạnh tượng Quán Âm là tượng Mẫu trong tư thế ngồi, mắt hơi nhìn xuống, tai to hơi vểnh về phía trước, ngực để trần, áo và quần màu xanh, 2 tay bế đứa trẻ đang cho bú, có một đứa trẻ ôm chân phải.

Với người Dao ở khu vực Bản Luốc huyện Hoàng Su Phì luôn coi ông Đặng Minh Đông (hay còn gọi là Đặng Diễn) là vị thần - có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của họ để bảo vệ mùa màng và cuộc sống yên lành của dân bản trong vùng, tương tự như Thành Hoàng làng của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Hàng năm đến ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhân dân các thôn thuộc xã Bản Luốc mang lễ vật đến cúng tại đền. Mỗi hộ gia đình đại diện chủ hộ đến lễ, khi đi mang theo 1 con gà hoặc 1 miếng thịt lợn, 1 chai rượu, 1 nắm cơm, vàng hương. Lễ cúng kết thúc, họ tổ chức ăn uống ngay tại đền. Đây cũng là hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn của cộng đồng người dân tộc Dao xã Bản Luốc huyện Hoàng Su Phì.
 
Năm 2013 đền Suối Thầu xã Bản Luốc đã được tỉnh Hà Giang công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 1198/QĐ - UBND ngày 20/6/2013 của UBND tỉnh Hà Giang.

Tin khác

Liên kết website