Văn hóa - Du lịch

Các lễ hội, lễ thức văn hóa, lịch sử truyền thống của các dân tộc huyện Hoàng Su Phì

22/06/2015 00:00 1449 lượt xem

Với đặc điểm địa hình, địa lý cách biệt, nhiều thành phần dân tộc nên huyện Hoàng Su Phì hiện còn bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và đa dạng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, đặc biệt là các lễ hội, lễ thức văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng nhân dân các dân tộc nơi đây.
1. LỄ CÚNG THẦN RỪNG CỦA DÂN TỘC NÙNG.

Lễ cúng Thần rừng là lễ thức dân gian của cộng đồng dân tộc Nùng thuộc các xã: Pố Lồ, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Tụ Nhân, Đản Ván, Ngàm Đăng Vài... được tổ chức vào dịp đầu năm tại các ngôi miếu thờ trong rừng cấm của các thôn bản. Trong đó lễ cúng tại các thôn Cóc Mưi Thượng, thôn Pố Lồ xã Pố Lồ, thôn Chàng Chảy xã Pờ Ly Ngài, thôn Hạ B xã Sán Sả Hồ được tổ chức với quy mô cấp xã với sự tham gia của đại diện 100% các hộ gia đình, già làng trưởng bản trong xã. Lễ cúng thần rừng thường được tổ chức vào giêng hoặc tháng hai âm lịch hàng năm nhưng thời gian cụ thể thì tùy theo mỗi thôn bản có thể chọn ngày khác nhau để tổ chức. Trải qua nhiều năm tháng tục lệ này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Trước khi hành lễ, các thầy chủ tế giết một con trâu và một con lợn từ 50 kg trở lên để lấy chiếc đầu, 4 chiếc chân, cái đuôi và 1 ít xương sườn cùng 04 con gà trống, ngoài ra còn có rượu ngọt – tức rượu hoẵng, cơm xôi đỏ làm đồ cúng tế. Các lễ vật được bày trên 4 đàn lễ gồm Đàn lễ cúng Hoàng Vần Thùng và 3 đàn lễ cúng các cận thần. Sau khi tiến hành các nghi thức cúng mang tính bắt buộc là: Nhập đàn, cầu phúc cầu lộc, nhận lễ sống, nhận lễ chín, tiễn Thần rừng xa giá về Cản Lủng thì số thịt trâu được chế biến đồ lễ và làm thức ăn sau khi tế lễ. Toàn bộ số lễ vật còn lại được chế biến và ăn uống ngay tại khu rừng cấm.

Lễ thức cúng thần rừng của dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì cũng như các bài cúng cho thấy ẩn chứa những di vết của việc thần thánh hóa các nhân vật lịch sử và được pha trộn giao thoa với tín ngưỡng nông nghiệp canh tác nương dẫy của người dân bản địa. Bên cạnh đó, lễ cúng thần rừng chính là tài liệu quý báu về tinh thần cố kết cộng đồng trong quá trình tồn tại và phát triển của các tộc họ người Tày - Nùng huyện Hoàng Su Phì.

2. LỄ HỘI CÚNG HOÀNG VẦN THÙNG CỦA DÂN TỘC CỜ LAO XÃ TÚNG SÁN.

Lễ cúng Hoàng Vần Thùng của cộng đồng dân tộc Cờ Lao được tổ chức hàng năm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng ở thôn Tà Chải xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì.

Theo truyền thuyết của người Cờ Lao xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì, Hoàng Vần Thùng (Tức Hoàng Văn Đồng) là người có công khai thiên lập địa và giúp nhân dân trong vùng mở mang khai khẩn đất đai, đánh đuổi thú dữ kẻ thù để giành lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Vì vậy, Ông được các tộc họ người Cờ Lao lập miếu thờ tại chân dãy núi cao nhất của dải Tây Côn Lĩnh thuộc thôn Tà Chải xã Túng Sán. Vào ngày thìn đầu tháng 7 âm lịch hàng năm, các gia đình thuộc nhóm người Cờ Lao của cả xã tổ chức lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại ngôi miếu thờ, đây là một trong những lễ thức độc đáo và mang tính cố kết cộng đồng của người Cờ Lao huyện Hoàng Su Phì.

Để tổ chức cúng tế, trước khi tế lễ các hộ gia đình tùy theo điều kiện kinh tế mà đóng góp vật phẩm với dân làng thông qua một vị già làng được giao trông nom quản lý ngôi miếu. Đến ngày tổ chức, đại diện mỗi gia đình 1 người đến tham gia tế lễ. Chủ trì là 1 thầy cúng cao niên nhất trong các dòng họ. Khi cúng, thầy cúng lấy tất cả các con vật do các hộ gia đình tự nguyện đóng góp với lòng thành tâm làm đồ tế lễ để cúng sống (Hiến tế), từ số lễ vật này thầy cúng chọn lấy ra một con lợn khoảng 30 kg đem mổ sống không cắt tiết cạo lông rồi lấy ra bộ lòng và để cả con lợn cùng bộ lòng lên tàu lá chuối rừng làm lễ vật cúng tế, nội dung các bài cúng chủ yếu ca ngợi công đức của Hoàng Vần Thùng và nhân vật Giàng Chúng đối với nhân dân trong vùng. Sau đó, các lễ vật sống tiếp tục được đem đi làm lông, nấu chín và sắp ra mâm và tiếp tục cúng. Cuối cùng tất cả mọi người cùng tổ chức ăn uống tại miếu, số còn lại được chia đều cho các gia đình lấy phần mang về nhà.

3. TẾT KHU CÙ TÊ CỦA DÂN TỘC LA CHÍ XÃ BẢN PHÙNG.

Tết Khu cù tê là một trong những lê hội độc đáo và mang đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp của dân tộc La Chí thuộc các xã Bản Phùng, Bản Máy huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang được tổ chức kéo dài trong thời gian từ 1 đến tháng 7 âm lịch hàng năm.

Tết Khu cù tê gọi theo tiếng La Chí bản địa tức là "Tết uống rượu", đây là ngày tết qua trọng nhất trong một năm của người La Chí. Vào dịp này, thầy cúng sẽ chọn ngày và giờ đẹp cho dân làng tập trung tại nhà thờ họ của xã để cúng tổ tiên dòng họ của người La Chí. Trong dịp này, dân làng mổ trâu và làm rượu hoẵng là loại rượu có vị ngọt, hơi chua làm bằng gạo nếp nấu thành cơm để nguội, sau đó trộn men lá cây rồi ủ trong chum sành khoảng 3 tháng cho lên lên men làm đồ tế lễ, thầy cúng sẽ đánh trống thiêng là chiếc trống được làm từ một khúc gỗ khoét rỗng có đường kính khoảng 40cm, hai đầu bọc bằng da trâu, sau đó tổ chức hát giao duyên và uống rượu cả ngày và thâu đêm đến sáng.

Ngày hôm sau mọi người về nhà mình làm thủ tục gọi tổ tiên các cụ đã mất về ăn tết tháng 7 với gia đình, lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng gồm có thịt gà, thịt lợn và nhất định phải có thịt chuột nấu chín bởi quan niệm của người La Chí cho rằng con chuột là con vật thông minh, biết tự tìm thức ăn, ở đâu có thức ăn thì ở đó có chuột. Các đồ lễ được bày lên mảnh lá chuối trên chiếc bàn ăn cơm hàng ngày. Khi cúng, người La Chí không dùng hương mà chỉ dùng một đoạn dây chỉ dài khoảng 20cm một đầu buộc vào củ gừng, đầu kia giữ vào ngón tay cho lắc lư trước mặt như chiếc dây dọi bởi họ quan niệm nếu củ gừng đung đưa theo một hướng nằm ngang tức là tổ tiên đã nhận lễ vật, trong khi cúng, thầy cúng có thể vừa cúng vừa bốc ăn lễ vật, điều đó thể hiện quan niệm bình đẳng giữa thầy cúng và thế giới thần linh.

Trong dịp tết khu cù tê, người La Chí chủ yếu uống rượu hoẵng, khi uống người ta đổ nước lạnh vào rồi chắt lấy rượu có màu trắng đục ra chiếc chậu. Về cách thức uống, nam giới dùng sừng trâu thay chén còn phụ nữ uống bằng bát. Dịp này các gia đình đến nhà nhau ăn tết uống rượu, vui chơi đến khi hết tết mới thôi.

4. LỄ CÚNG MA KHÔ CỦA DÂN TỘC NÙNG U HUYỆN HOÀNG SU PHÌ

Theo quan niệm và văn hoá truyền thống của dân tộc Nùng U huyện Hoàng Su Phì thì lễ cúng ma khô chính là lễ thức cuối cùng của vòng đời mỗi con người, lễ thức được tổ chức nhằm giải thoát cho linh hồn con người sau khi chết được siêu thoát và được chia của cải vật chất làm vốn liếng để họ tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia. Đây là một lễ hội mang tính giáo dục về đạo đức cho những người sống có tình nghĩa với người đã khuất.

Lễ cúng ma khô gồm 3 bước: Gọi hồn; Đưa hồn lên bàn thờ tổ tiên và chia của cải cho người chết. Chủ trì lễ thức này thường do 3 - 5 thầy cúng thực hiện.

Sau khi chết, người chết sẽ được làm thủ tục đưa đi chôn cất, đến khi chọn được ngày lành tháng tốt và gia đình có điều kiện về vật chất thì mới làm ma, ngày đó không phạm vào bản mệnh của những người trong gia đình. Trước khi tiến hành làm ma khô các gia đình đều phải làm nhà táng hai tầng dán giấy xanh đỏ tím vàng trang trí đẹp để tặng cho người khuất. Khi đến dự lễ cúng, các con, cháu gái phải có con lợn nhỏ hoặc một con gà hay vịt , vài  ba ống gạo, con ngựa giấy , con trai làm cây tiền cao nhiều tầng để dâng cho người đã chết. Trong lễ cúng ma khô thì Lễ cúng gọi hồn là lễ thức đầu tiên và quan trọng nhất được tổ chức bên ngoài ngôi nhà (Thường là vạt ruộng, bãi cỏ hoặc ven suối). Ở không gian này thầy cúng dựng cây nêu còn gọi là Vạt mẩu -  là 1 miếng vải trắng dài khoảng 6m có trang trí nhiều loại hình vẽ như hình mặt trời, mặt trăng, hình con rồng, người nhà  cửa trâu bò ngựa dê gà, vịt, cá... là những hình ảnh quen thuộc nơi người khuất ra đi rồi được treo trên 1 ngọn cây tre hoặc trúc và được treo rất cao để nơi xa cũng nhìn thấy để hồn người đã khuất từ thế giới bên kia trở về dễ nhận biết. Ngoài ra còn có 3 đàn lễ để cúng Hạn Hung là một chiếc mâm hai tầng, tầng trên là mâm thần trời anh, tầng dưới là mâm thần trời em. Trong hai mâm  đều bày các lễ vật: một con vịt, một con gà đã luộc chín, rượu, bánh “ khẩu đẹo” làm bằng  cơm nếp giã mịn, nặn thành bánh to bằng hai bàn tay xòe gói lại bằng lá chuối. Đàn lễ cúng chúng sinh gồm các món ăn như gà luộc, vịt luộc, thịt lợn, rượu. Đàn cúng hồn người chết lập ngay trên mặt đất và được nối với đàn lễ cúng Hạn Hung bằng một đoạn vải mộc màu trắng rồi quây lại thành cái nhà nhỏ có cổng xung quanh đàn lễ để đón hồn về.

Khi cúng, Thầy cúng đeo kiếm tay cầm chuông mời các Thần nhà trời về nhận lễ vật và xin hai Thần thả hồn cho người đã khất trở về với tổ tiên dòng họ. Sau đó thầy cúng đi đầu mở đường rộng xua đuổi kẻ ác ma tà, con cháu họ hàng đi theo thầy cúng để đón đường đưa hồn người khuất trở về. Khi cúng xong thầy cúng lấy xương hai đùi gà xem, nếu có bốn lỗ tròn đều thì hồn đã về đến sân nhà lúc này con cháu đóng cổng đàn lễ lại cho hồn được bình an không cho hồn khác xâm nhập vào. Tiếp theo, thầy chủ tế đeo kiếm cầm chuông rung lên ba tiếng đi đầu dẫn dường cho hồn về nhà, các thầy cúng còn lại tổ chức lễ cúng chúng sinh cho các linh hồn tha phương cầu thực không nhà không cửa. Hồn người khuất được con cháu và họ hàng khiêng trên cái chìu giống như cái kiệu trên đó kết giấy xanh đỏ tím vàng có vòm. Đi sau cùng là trống chiêng khua vang để xua đuổi kẻ ác ma tà tránh đường để cho hồn về với tổ tiên. Đồng thời cũng là báo hiệu thể hiện sự vui mừng hồn đã trở về với tổ tiên và anh em con cháu. Vào đến nhà, thầy cúng làm lễ đưa hồn lên bàn thờ tổ tiên. Tiếp theo, thầy cúng dắt 1 con trâu đến cửa và lấy 1 sợi chỉ buộc từ sừng trâu đến chân que hương cắm trên bàn thờ rồi giao cho người chết để làm phương tiện làm ăn dưới cõi âm, đồng thời lấy 1 con dao khắc 1 dấu X vào chiếc sừng trâu để người chết ở thế giới bên kia không bị nhầm với trâu người khác, sau đó giết con trâu và mổ thịt, nấu chín và tiếp tục cúng tế. Kết thúc tế lễ, anh em con cháu và bạn bè hàng xóm đem các lễ vật hoặc các đồ dùng chuẩn bị cho người chết đến trước nhà táng để thầy cúng dâng cho hồn người chết để làm vốn ở thế giới bên kia. Sau khi làm lễ, các lễ vật mang đến cúng được mang ra nấu lên rồi mọi người cùng ăn uống vui vẻ thân mật. Họ hát lướn, mời rượu thâu đêm đến sáng. Theo quan niệm của dân tộc Nùng, lúc này là lúc vui mừng của gia đình vì hồn người khuất đã trở về nhà ở với tổ tiên phù hộ cho con cháu.

Lễ cầu gọi hồn của dân tộc Nùng là tập quán tín ngưỡng  dân tộc có từ lâu đời.  Nó bao gồm quan niệm về vũ trụ, quan niệm về cuộc sống của con người, dạy con người phải thương yêu quý trọng lẫn nhau, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau sống trên đời phải biết ăn ở có trước có sau, có trên có dưới  hòa thuận. Vì vậy lễ hội gọi hồn là một lễ hội có giá trị về giáo dục đạo đức đối với con người của dân tộc Nùng U huyện Hoàng Su Phì. 

5. LỄ HỘI QUYÁ HIÉNG CỦA DÂN TỘC DAO ĐỎ.

Lễ hội Quýas Hiéng hay còn gọi là lễ hội qua năm của người Dao đỏ xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì được tổ chức tại các gia đình người Dao đỏ vào dịp cuối năm âm lịch hàng năm nhưng lễ cúng tại gia đình các trưởng tộc trưởng họ hoặc các thầy cúng là lớn hơn cả.

Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ  ngày 27 tháng 12 âm lịch, các trưởng tộc trưởng họ đã cho con cháu chuẩn bị lương thực thực phẩm phục vụ cho các hoạt động nghi lễ và ăn uống trong lễ hội. Trong đó ngoài những vật phẩm thường thấy trong ngày tết như: Bánh trưng (Dùa pêu) bánh dầy (Dùa chông), thịt lợn, thịt gà thì người Dao còn tổ chức đi săn bắn thú rừng đánh cá suối để làm thức ăn.Tuy nhiên trong phần  nghi  lễ  của lễ hội Quýas Hiéng thì vật phẩm được dâng cúng chỉ gồm và buộc phải có các loại như: cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc  màu trắng, hương, vòng  bạc, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến. Phần nghi lễ của lễ hội được tiến hành vào ngày cuối cùng của năm cũ tại gian giữa của gia đình. Thành phần tham gia gồm anh em con cháu trong dòng họ và mời một số bạn bè thân thiết, các chức sắc của địa phương đến dự lễ.

Để thực hiện các nghi lễ, người chủ tế và gia đình lập 3 đàn lễ gọi là: Bứa Hiéng; Sáng Chà Phin; Sám Háng, trong đó đàn lễ Bứa Hiéng (tức bàn thờ tổ tiên tông tộc) được lập ở ngay bên dưới bàn thờ tổ tiên lễ vật gồm: một con gà luộc cắt bỏ bộ lòng, một chén nước suối, 5 chén rượu, giấy bản, hai ống hương làm bằng hai đoạn ống cây vầu, một bát gạo được túm trong một mảnh vải mộc màu trắng, một chiếc đèn hoặc một cây nến. Đàn lễ thứ 2 được lập lui về phía trước bên trái đàn thứ nhất gọi là Sáng chà phin (tức đàn cúng thế giới thần linh và các ma là tổ tiên của nghề thầy cúng gọi là Sài Tía) lễ vật gồm: một con gà luộc đã cắt bỏ bộ lòng, một chén nước suối, 5 chén rượu, 1 ống hương làm bằng một đoạn ống cây vầu, giấy bản và 3 bát gạo trên có đặt một chiếc vòng cổ bằng bạc, một chiếc đèn hoặc một cây nến. Đàn lễ thứ 3 gọi là Sám háng tức là mâm cúng các ma là linh hồn của những người khi sống không nhà không cửa. Lễ vật cúng gồm: 5 chén nước, 5 chén rượu, 5 chén cơm tẻ, trên mỗi  chén có cắm một đôi đũa bằng tre, một con gà luộc được cắt bỏ bộ lòng, một chiếc đèn hoặc một cây nến và một bát gạo gói trong một mảnh vải mộc màu trắng phía trên có để một chiếc vòng tay bằng bạc.

Trong lễ hội Quýas Hiéng, các thầy cúng (tức sài ông) được coi như người điều hành buổi lễ và quyết định sự thành công của cả lễ hội. Việc mời thầy cúng thường được tiến hành trước buổi lễ chừng 3-4 ngày, đồng thời gia chủ cũng thông báo luôn vị trí các thầy cúng trong khi tế lễ để họ có sự chuẩn bị về trang phục và dụng cụ khi hành lễ.

Đúng ngày giờ đã chọn các thầy cúng đã được mời tự đến nơi diễn ra lễ hội. Trước khi đi họ phải thắp hương xin phép tổ tiên (tức Chà phin) và các thần ma là ông tổ của nghề thầy cúng (Sài Tía). Thầy cúng mặc trang phục là áo dài mầu đỏ sặc sỡ, chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ hình tam giác được thêu nhiều hoạ tiết và dây buộc cùng nhiều tua màu đỏ và màu trắng và cầm theo 2 mảnh sừng trâu hoặc mảnh gỗ  dài 7- 8 cm một đầu to một đầu nhỏ, một mặt phẳng một mặt khum (gọi là Cháo) để xin âm dương. Ngoài ra thầy cúng ở đàn cúng Sám Háng còn phải mang theo một chiếc tù và bằng sừng trâu (ngùng chong), một chiếc chuông nhạc (Mu lình), một cuốn sách cúng viết bằng chữ Nôm – Dao và 2 chiếc chũm choẹ bằng đồng (Chiào Chiấy) dùng để hành lễ. Còn các dụng cụ khác phục vụ cho việc vui chơi nhảy múa và hoạt động của lễ hội như: Trống (dồ nóng) chuông nhạc (Mu lình)… Thì do chủ nhà chuẩn bị.

Khi đến nơi, các thầy cúng cùng nhau cắt giấy bản và sắp lễ theo các vị trí đã định sẵn trong khi anh em con cháu trong gia đình chuẩn bị đồ ăn thức uống cho bữa tiệc sau buổi lễ. Sau khi cả 3 đàn lễ được sắp xong thì nghi lễ được tiến hành. Nếu mời nhiều thầy cúng thì nghi lễ được tiến hành cùng một lúc, ngược lại nếu chỉ có một thầy cúng thì nghi lễ được bắt đầu từ đàn cúng Bứa Hiéng, sau đó là đàn cúng Sáng Chà Phin và cuối cùng là đàn cúng Sám háng.

Trước khi kết thúc các bài cúng, thầy cúng gieo quẻ bằng hai mảnh sừng trâu, nếu một mảnh sấp một mảnh ngửa là lễ vật đã được chấp nhận. Lúc này thầy cúng đốt số giấy bản trên mâm và bài cúng đã xong.

Trong tất cả các lễ hội, phần nghi lễ này thường khá dài, nếu chỉ có một thầy cúng thì có khi dài tới 4-5 giờ đồng hồ. Sau đó hai đàn lễ Sáng ­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­chà phin và Sám háng được dọn đi, còn đàn lễ Bứa Hiéng được duy trì đến khi hết hội mới thôi, những lễ vật có trên mâm cúng được bổ sung phục vụ cho việc ăn uống được tổ chức ngay sau đó.
Sau khi kết thúc các nghi thức cúng tế, mọi người tham gia vào các trò hội như ăn uống, tiệc tùng, hát giao duyên, thi tài sử dụng nhạc cụ và các trò chơi dân gian như: Vật chày, nhảy lửa, bói lồng gà... nhiều khi thâu đêm suốt sáng mới thôi.

6. LỄ CÚNG CƠM MỚI CỦA DÂN TỘC TÀY - NÙNG.

Lễ cúng cơm mới của dân tộc Tày, Nùng huyện Hoàng Su Phì thường được tổ chức trong dịp thu hoạch vụ lúa mùa hàng năm. Trước đây, do giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài và do khí hậu nên lễ thức này thường được tổ chức vào tháng 9 âm lịch. Hiện nay, giống lúa mới ngắn ngày hơn và do thời tiết thay đổi, khí hậu nóng hơn nên lúa được trồng sớm, vì vậy lễ mừng cơm mới cũng theo đó mà được tổ chức sớm hơn vào khoảng đầu hoặc giữa tháng 8 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, tuỳ theo từng gia đình có thể chọn ngày tổ chức lễ mừng cơm mới cho phù hợp với gia đình mình, chọn ngày đẹp, không tổ chức vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình. Khi thấy lúa trên các thửa ruộng bậc thang nhà mình đã chín thì tổ chức lễ mừng cơm mới sau đó tiến hành gặt lúa.

Việc duy trì và thực hiện các nghi lễ trong lễ cúng cơm mới thường do một thầy cúng chủ trì. Các lễ vật trong lễ thức cúng cơm mới đều là những sản phẩm của ruộng nương và bao giờ cũng phải có đó là: Hương, vàng, giấy dó, thịt gà, thịt lợn, rượu, xôi ngũ sắc, cốm nếp, cơm tẻ được nấu bằng gạo mới. Nếu vì lý do đặc biệt nào đó mà chủ nhà không có gạo mới mà buộc phải dùng gạo cũ để làm lễ vật thì phải lấy 3 bông lúa ngoài ruộng vào đặt trong nồi cơm khi đang nấu để lấy hương vị của gạo mới.

Lễ cúng cơm mới nhằm cám ơn ông bà tổ tiên và thánh thần trời đất đã giúp cho chủ nhà có được mùa màng tươi tốt, mừng cho một năm được mùa, cầu mong sang năm ông bà, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho được mùa bội thu. Đây là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người Tày - Nùng sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. 

Tin khác

Liên kết website